NS Phó Đức Phương: “Họ cướp tài sản, chúng tôi phải bảo vệ“

Google News

(Kiến Thức) - Về 170 triệu tác quyền đêm nhạc Khánh Ly, Phó Đức Phương cho biết: "Tôi đã hình dung xô xát có thể xảy ra, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận".

Khác với sự thành công vang dội của đêm nhạc Khánh Ly 9/5 tại Hà Nội, lần trở về thứ hai của ca sĩ Khánh Ly thu hút sự chú ý của dư luận nhưng không phải do tò mò về giọng hát của danh ca tuổi 70 mà liên quan vấn đề tác quyền âm nhạc.
Ngay trước đêm diễn của Khánh Ly, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả (VCPMC) đã đến tận nơi đòi tiền tác quyền các ca khúc được biểu diễn. Thậm chí nhạc sĩ cho biết, trong tình huống xấu, ông chấp nhận cả việc xô xát để ngăn chặn hành động xâm phạm quyền tác giả này.
 Khánh Ly trong đêm nhạc ngày 2/8 tại Hà Nội.
Rất may khán giả đã không phải chứng kiến hành động này. Chỉ trước giờ diễn ít phút, đơn vị tổ chức và đại diện trung tâm VCPMC đã họp "khẩn". Sau một hồi điều đình với lý do chỉ bán được 30% vé, trung tâm đã linh động thu 170 triệu tiền tác quyền (5% của 40% số vé nhân giá vé trung bình).
Giải thích cho hành động đến tận nơi truy thu, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Tôi thấy đây là hành vi cần thiết, tích cực, đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Họ cướp đoạt tài sản của chúng tôi thì chúng tôi phải bảo vệ. Hành động của chúng tôi là ngăn chặn một hành vi xâm phạm quyền tác giả".
"Trước đó, tôi đã hình dung có thể có xô xát xảy ra, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận. Nếu cần thiết, tôi sẽ cướp diễn đàn để nói cho khán giả biết hành động xâm phạm quyền tác giả của đơn vị tổ chức. Tôi sẽ sống chết để bảo vệ luật pháp. Trách nhiệm của chúng tôi là phải làm như vậy".
 Nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Về bản quyền các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trung tâm VCPMC cho biết, năm 2009, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy quyền cho trung tâm bảo hộ tất cả các nhạc phẩm của cố nhạc sĩ. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề tác quyền âm nhạc trong đêm nhạc Khánh Ly vừa qua, ngày 26/7, bà Trịnh Vĩnh Trinh đã có văn bản xác nhận với tư cách đại diện những người thừa kế di sản Trịnh Công Sơn, ủy quyền cho trung tâm VCPMC giải quyết.
"Chúng tôi chỉ miễn thu cho các chương trình từ thiện, khuyến khích các tài năng trẻ và một đêm nhạc Trịnh Công Sơn hàng năm được tổ chức miễn phí cho 30.000 khán giả. Tuy nhiên, việc miễn thu với các chương trình từ thiện phải được gia đình đề xuất" - ông Phó Đức Phương cho biết.
Cũng theo chia sẻ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Live concert Khánh Ly diễn ra ngày 9/5 trước đó đã thực hiện nghiêm túc việc nộp tiền tác quyền với con số 260 triệu đồng. 
Số tiền tác quyền này trung tâm sẽ trích lại 20% hành chính phí, còn lại số tiền 80% các tác giả sẽ được hưởng. Đêm nhạc Khánh Ly tại Hà Nội, theo NS Phó Đức Phương, BTC chương trình phải nộp 170 triệu tiền tác quyền. Nếu trừ 20% chi phí hành chính cho Trung tâm bảo vệ, 80% còn lại được chuyển đến phía gia đình nhạc sĩ.
 Thư đề nghị trung tâm tác quyền bảo vệ của Trịnh Vĩnh Trinh trước đêm nhạc.
Cũng theo cách tính này, với đêm nhạc Khánh Ly tại Đà Nẵng, theo NS Phó Đức Phương, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã gửi công văn cho Sở VH Đà Nẵng yêu cầu BTC chương trình có trách nhiệm nộp tiền tác quyền cho Trung tâm theo đúng pháp luật.

Cách tính tiền tác quyền âm nhạc tổ chức trong rạp, nhà hát được tính như sau: 5% x (75 số lượng ghế x bình quân giá vé). Đối với tụ điểm ca nhạc - sân khấu ngoài trời: 5% x (60% số lượng ghế x bình quân giá vé).

Trung tâm VCPMC hiện có 3000 thành viên trong nước và 3 triệu tác giả ở nước ngoài đăng ký bảo vệ quyền tác giả. Đối với tiền tác quyền thu được đơn vị sẽ trích lại khoảng 20% tiền hành chính phí, còn lại tác giả sẽ được hưởng.

Nguyệt Cát

Bình luận(1)

Minh Hiền

buong

Trịnh công sơn chắc không ngờ đến cảnh đau lòng này. Từ giờ trở đi chắc nhạc Trịnh sẽ ít được hát. Ông Phó Đức Phương cũng ngồi xem Khánh Ly hát. Đề nghị ông trả tiền vé, như thế mới công bằng. Đừng mượn có đến làm việc để quỵt vé xem.