Hé lộ những chuyện ly kỳ về ca khúc "Hotel California"

Google News

Bìa album cho tới lời ca khúc "Hotel California" đều gắn với giai thoại "quỷ dữ" mà đến nay vẫn chưa được lý giải.

Hotel California là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi của nhóm nhạc Eagles, thu âm năm 1976 và được phát hành đĩa đơn năm 1977. Bài hát trở thành hiện tượng rock trong nhiều thập niên liền, đặc biệt những năm 80-90. 
Giai điệu của Hotel California thường xuyên vang lên ở nhiều góc phố, quán cà phê, khách sạn, ... và đã trở thành "gia vị" quen thuộc của mọi người dân thế giới. Tác giả bài hát này là 3 thành viên của Eagles: Don Felder, Don Henley và Glenn Frey.
Thứ 2 vừa qua, ngày 18/1/2016, thành viên của nhóm là Glenn Frey đã qua đời vì nhiều chứng bệnh tuổi già, trong đó nặng nề nhất là bệnh viêm phổi tại New York, Mỹ. Thời điểm ông ra đi, Hotel California tròn 40 tuổi.
Thành công và 'sức bền' của Hotel California
Khi chính thức phát hành năm 1977, Hotel California liên tục dẫn đầu Billboard Hot 100 Mỹ trong một tuần. Chỉ sau 3 tháng, ca khúc đã tiêu thụ được hơn 1 triệu bản và đạt chứng nhận Vàng của RIAA. Và cũng nhờ Hotel California, Eagles đã thắng giải Grammy ở hạng mục Thu âm của năm (1978). Năm 2009, bài hát nhận được chứng nhận Bạch kim với hơn 3 triệu lượt tải về.
He lo nhung chuyen ly ky ve ca khuc
 "Hotel California" nằm trong album cùng tên của Eagles (1976).
Ca khúc cũng lọt top 49/500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại theo tạp chí Rolling Stone bình chọn, đồng thời có thứ hạng cao trong danh sách 500 bài hát hay nhất của Rock and Roll Hall of Fame. Phần ghita solo của bài hát cũng đứng ở vị trí thứ 8 trong Top 100 Guitar Solos của Guitar Magazine.
Ca khúc Hotel California đã được nhiều ca sĩ cover lại và phát hành phiên bản riêng, kể cả những năm gần đây như Alabama, The Killers, The Cat Empire, The Cat Empire ...
Eagles từ chối nhận giải Grammy (lần thứ 20)
Eagles phải thu tới 3 lần giai điệu Hotel California trước khi chính thức phát hành phiên bản ưng ý nhất. Phần hòa âm phối khí được các thành viên chau chuốt đến từng nốt nhạc. Ca khúc đã xuất sắc dành giải Grammy cho hạng mục Thu âm hay nhất của năm (1978).
Tuy nhiên, ban nhạc lại bất ngờ vắng mặt tại đêm trao giải và từ chối giải thưởng này mà không đưa ra lý do khiến rất nhiều người hâm mộ bất ngờ. Tiền lệ trước đó chưa có nghệ sĩ nào từ chối một giải thưởng âm nhạc lớn như Grammy.
Tên thật của bài hát chưa từng hé lộ
Theo thành viên Don Henley, tên bài hát vốn được đặt là Mexican Reggae, (Reggae có ý nghĩa biểu thị một dòng nhạc có nguồn gốc từ Jamaica) - một cái tên xa lạ với nội dung bài hát. Thành viên nhóm nhạc tiết lộ chuyện này năm 2003, trong một cuộc trò chuyện với nhà báo Cameron Crowe.
Mỉa mai 'sự dư thừa ở Mỹ'
Không ít lần thành viên của ban nhạc của Eagles đã tiết lộ rằng, ý nghĩa thực sự đằng sau Hotel California là một ''comment - bình luận'' về chủ nghĩa khoái lạc và sự sa ngã ở Mỹ.
Năm 2002, trong cuộc trò chuyện trên chương trình 60 Minutes của đài CBS, Henley nói: "Đó là một bài hát chỉ trích sự đen tối đằng sau 'giấc mơ và sự dư thừa ở Mỹ, điều mà chúng ta đã hiểu quá rõ".
He lo nhung chuyen ly ky ve ca khuc
Ban nhạc năm 1977, từ trái qua là Henley, Walsh, Randy Meisner, Glenn Frey và Don Felder. 
Năm 2005, Henley tiếp tục giải thích ý nghĩa của bài hát với tạp chí Rolling Stone: "Chúng tôi đều là những đứa trẻ thuộc lớp trung lưu đến từ Midwest, còn Hotel California là sự giải thích của chúng tôi về cuộc sống xa hoa ở Los Angeles".
'Giấc mơ nước Mỹ' của các chàng trai Eagles là đến California và trở thành một trong những ban nhạc rock nổi tiếng nhất của nước Mỹ sau 5 năm. Eagles lên án những văn hóa kệch cỡm xung quanh người giàu có và nổi tiếng ở Los Angeles - nền văn hóa mà họ đang hòa nhập. Một nơi "mo' money mo' problems" (càng nhiều tiền, càng nhiều vấn đề).
Tên một khách sạn ảo, không có thật
Bìa của album là hình chụp khách sạn Beverly Hills Hotel hay còn gọi là Pink Palace (Hoàng cung màu hồng), nơi các ngôi sao Holywood thường lui tới. Bức ảnh được chụp bởi hai nhiếp ảnh gia David Alexander và John Kosh. Họ đã túc trực ở đại lộ Sunset Boulevard, canh đúng thời điểm nắng hoàng hôn ngả bóng trên mái vòm của khách sạn để lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời đó.
"Bài hát của quỷ dữ"
Khi bìa của album bị "soi" ra những hình ảnh kỳ quái thì tin đồn "quỷ ám" không ngừng xuất hiện xung quanh Hotel California. Cho đến tận bây giờ, vẫn không có ai lý giải được điều kỳ bí này.
Theo đó, ban nhạc đứng giữa một đám đông trong sân khách sạn, có lẽ là một bữa tiệc âm nhạc nào đó. Nhưng kỳ lạ thay, trên ban công có một người đang nhìn chằm chằm xuống họ, hình dáng không rõ ràng nhưng mơ hồ một khuôn mặt đeo râu dê đáng sợ. Đa số những người nhìn vào bức ảnh đều kết luận, kẻ đó là Anton LaVey, người sáng lập Giáo Hội Satan và tác giả của Kinh Thánh The Satanic.
Lời đồn cho rằng, bài hát liên quan đến một quán trọ quỷ dữ, của những kẻ ăn thịt người bắt nguồn từ một sự kiện tương tự ở Tây Ban Nha. Mọi người trong khách sạn vô thức đi lại trong niềm hân hoan của những bóng quỷ quanh họ mà không hề hay biết mình đang đang lang thang trong ngôi nhà của quỷ dữ.
He lo nhung chuyen ly ky ve ca khuc
Hình ảnh được cho là quỷ dữ giữa đám đông khách ngủ lại khách sạn. 
Người ta đồn rằng, những kẻ thờ quỷ dữ đã mua một nhà thờ cũ và đổi tên thành Hotel California, rất có thể thành viên của Eagles liên quan tới kẻ này. Bìa album được cho là chụp gần trụ sở chính của Nhà thờ Quỷ dữ (Church of Satan) vì tên bài hát cũng chính là cái tên mà nhà thờ này đăng ký ở California. Còn có những lời đồn ghê rợn hơn nữa rằng, khách tới đây sẽ không bao giờ trở về nữa.
Trong khi đó, lời bài hát như mô tả một người đàn ông hoảng loạn muốn tìm lối thoát ra khỏi khách sạn nhưng bất lực: "Relax" said the nightman. We are programed to recieve. You can check out any time you like. But you can never leave." ("Đừng lo" - Ông gác cổng nói. Sứ mệnh chúng tôi là tiếp nhận. Ai ghi tên ra về lúc nào cũng được. Nhưng không thể rời khỏi đây).
Theo Dân Việt

Bình luận(0)