|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình hội đàm với
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chiều 19/6. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN) |
Ngày 19/6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt
Nam đến thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Cộng hòa Nhân dân Trung
Hoa.
Đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn tại sân bay quốc tế Bắc Kinh có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cùng các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ cùng đông đảo cán bộ đại sứ quán, đại diện cộng đồng và sinh viên Việt Nam tại Trung Quốc.
Đúng 17h ngày 19/6, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón.
Hội đàm cấp cao hai nước Việt-Trung
Sau lễ đón, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Trong không khí hữu nghị, thẳng thắn và cởi mở, hai bên điểm lại tình hình quan hệ hai nước trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực, trao đổi ý kiến sâu rộng về phương hướng và các biện pháp lớn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực hai bên cùng quan tâm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc hết sức coi trọng chuyến thăm; tin tưởng rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy và hợp tác cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nước và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định, Trung Quốc coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam, nhấn mạnh truyền thống hợp tác hữu nghị do các bậc lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước, hai bên cần kế thừa và phát huy.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc dành cho Đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chúc mừng Trung quốc đã tổ chức thành công Đại hội 18 Đảng Cộng sản cuối năm 2012 và kỳ họp thứ nhất khóa 12 Quốc hội và Chính hiệp tháng 3 vừa qua, bầu ra Ban Lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước, đề ra những chủ trương, phương hướng lớn về phát triển của Trung Quốc trong thời gian tới.
Chủ tịch nước đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo Trung Quốc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, chính sách cơ bản, nhất quán lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc nỗ lực đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung lên tầm cao mới.
Về quan hệ song phương, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua tiếp tục có bước phát triển mới; bày tỏ vui mừng và đánh giá cao việc hai bên ký Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác trong chuyến thăm lần này.
Hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tiếp tục đẩy mạnh giao lưu và triển khai có hiệu quả những nội dung, thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan Đảng, Bộ ngành, địa phương hai bên; thúc đẩy giao lưu giữa các đoàn thể, nhất là thế hệ trẻ nhằm tăng cường giáo dục truyền thống hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Hai bên cần hoàn thiện và phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của các cơ chế hợp tác song phương, nhất là Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật..., không ngừng làm phong phú thêm nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, trong thời gian tới, hai bên cần chỉ đạo các bộ ngành hai nước quán triệt, triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký kết trước đây cũng như được ký kết trong dịp này; không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, phối hợp có các biện pháp hiệu quả và quyết liệt thúc đẩy thương mại hai nước vừa tăng trưởng ổn định, vừa giảm nhập siêu của Việt Nam, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 60 tỷ đôla Mỹ vào năm 2015.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh và mong muốn phía Trung quốc tăng cường đầu tư những dự án lớn trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, chế tạo, công nghiệp phụ trợ với công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Hai bên hoan nghênh việc Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng hai nước ký kết Thỏa thuận hợp tác biên phòng (sửa đổi), Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền nhân chuyến thăm này. Hai bên đều thống nhất cho rằng các thỏa thuận này sẽ nâng cao hiệu quả phối hợp, hợp tác quản lý giữa hai bên, duy trì an ninh trật tự và tạo thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, giao thương giữa nhân dân hai nước tại khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và nhất trí duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển, nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tìm kiếm và trao đổi các giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, không để ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong thời gian tới, hai bên tích cực triển khai các dự án đã thoả thuận liên quan các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặc biệt nhấn mạnh, vấn đề nghề cá liên quan đến đời sống và lợi ích của hàng triệu ngư dân Việt Nam, đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp, xử lý thỏa đáng vấn đề này, bảo đảm lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Thỏa thuận về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển được ký kết nhân dịp này.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí hai nước cần tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung Quốc, Hội nghị cấp cao ASEAN và Trung-Nhật-Hàn (ASEAN+3), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)..., cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc sớm thăm Việt Nam. Chủ tịch Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời thăm vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên, đồng thời trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị Lãnh đạo Cấp cao khác của Việt Nam thăm Trung Quốc vào thời gian thích hợp.
Ký kết 10 văn kiện hợp tác
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác. Đây là những văn kiện quan trọng nhằm tạo bước đột phá và thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Chiều 19/6, tại Bắc Kinh, sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nguyên thủ hai nước đã chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác.
10 văn kiện hợp tác gồm:
- Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
- Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng.
- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.
- Hiệp định khung giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi (cho Dự án hệ thống thông tin đường sắt) trị giá 320 triệu Nhân dân tệ.
- Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc về việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước.
- Điều lệ công tác của Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.
- Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất nhập khẩu.
- Kế hoạch hợp tác giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2013-2017.
- Hiệp định vay cụ thể tín dụng người mua ưu đãi cho Dự án Nhà máy Đạm than Ninh Bình trị giá 45 triệu đôla Mỹ.
- Thỏa thuận sửa đổi lần thứ 4 giữa Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ.
Thỏa thuận sửa đổi lần 4 về thăm dò dầu khí chung Việt-Trung là sự tiếp nối các thỏa thuận thăm dò dầu khí từ năm 2006 tới nay. Nội dung chính là mở rộng Khu vực Xác định từ 1.541km2 lên thành 4.076km2, bao gồm 2 phần tương đương nhau từ mỗi bên và tiếp tục gia hạn hiệu lực của Thỏa thuận Thăm dò chung đến hết năm 2016.
Trả lời phỏng vấn của TTXVN, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam nhận định: Đây là thỏa thuận hợp tác thuần túy về kinh tế, không có gì ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của mỗi nước trên Vịnh Bắc Bộ.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: