Trong cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, các chuyên gia bình luận về tuyên bố ngày 3/9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc duyệt binh lớn ở Bắc Kinh - cắt giảm 300.000 quân nhân để quân số xuống còn hai triệu. Họ đều lưu ý đến một thực tế rằng cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh là điều kiện thuận lợi cho tuyên bố cắt giảm quân đội lớn nhất thế giới của ông Tập Cận Bình.
|
Quân nhân Trung Quốc trong lễ duyệt binh ngày 3/9 ở Bắc Kinh.
|
Về việc
Trung Quốc cắt giảm quân số, giáo sư Su Hao của Đại học Ngoại giao Bắc Kinh nhận xét: "Tuyên bố về việc cắt giảm lực lượng vũ trang đã vang lên tại cuộc duyệt binh, điều đó cho thấy ước vọng hòa bình của Trung Quốc. Không có gì bí mật là ngày nay trong dư luận, đặc biệt dư luận phương Tây, đã hình thành lý thuyết về ‘
mối đe dọa Trung Quốc’. Dường như tốc độ tăng trưởng cao và quy mô phát triển quân đội Trung Quốc là một mối đe dọa cho cộng đồng thế giới. Do đó, các quốc gia láng giềng với Trung Quốc, cũng như Mỹ và các nước phương Tây khác, mất lòng tin với Trung Quốc”.
Chuyên gia Viện Mỹ và Canada, cố vấn Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Đại tá nghỉ hưu Viktor Yesin bình luận về sáng kiến của ông Tập Cận Bình: "Trên thực tế, trong thời bình, Trung Quốc không có nhu cầu nuôi đội quân gồm 2,3 triệu người. Trung Quốc có khả năng huy động một nguồn lực lớn nếu phải đối mặt mối đe dọa quân sự. Bắc Kinh có thể huy động 10 triệu binh sĩ. Trung Quốc đã thông qua quyết định cắt giảm quân số bởi vì Bắc Kinh có mục đích tối ưu hóa cơ cấu quân đội. Trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên về tính minh bạch trong các vấn đề quân sự. Đó là một bước tiến tới việc biến Trung Quốc thành một đất nước cởi mở hơn".
Nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev cho rằng, sáng kiến của nhà lãnh đạo Trung Quốc là một "tín hiệu" với phương Tây, và không chỉ với phương Tây: "Trung Quốc có những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và trong điều kiện này Bắc Kinh thông qua quyết định cắt giảm quân số. Theo tôi, đây là một tín hiệu không chỉ với phương Tây, mà còn với Ấn Độ, bởi vì tiềm năng hạt nhân của nước này cũng nhằm chống lại Trung Quốc. Đúng, Bắc Kinh muốn để các nước thấy rằng, Trung Quốc không phải là một quốc gia hiếu chiến. Để bù đắp cho việc cắt giảm lực lượng vũ trang, Trung Quốc sẽ thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội".
Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov, Phó viện trưởng Học viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị của Nga, cho rằng, Trung Quốc nhận thức rõ rằng, những mối nguy cơ quân sự đang gia tăng trên thế giới. Và quyết định cắt giảm quân số đã được thông qua do các vấn đề trong nền kinh tế. Trung Quốc cần phải có nguồn lực và tiền bạc để tái trang bị cho quân đội, và đây là một phương pháp để tìm kiếm nguồn bổ sung.