Vì sao Pháp lại trở thành mục tiêu thường xuyên của khủng bố?

Google News

Nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với khủng bố, cho dù Paris đã quyết định bỏ ra 4 tỷ euro trong giai đoạn từ 2016-2019 để ngăn chặn khủng bố.

Một lần nữa nước Pháp lại phải đối mặt với thảm họa khủng bố. Ngay trên đại lộ mua sắm nổi tiếng Champs-Elysees giữa Thủ đô Paris, những kẻ khủng bố đã nổ súng sát hại một cảnh sát và làm 2 người khác bị thương nặng.
Vi sao Phap lai tro thanh muc tieu thuong xuyen cua khung bo?
 An ninh được tăng cường tối đa ở Thủ đô Paris.
Sau cuộc họp quốc phòng vào sáng 21/4 do Tổng thống Pháp F. Hollande chủ trì, Văn phòng công tố Pháp cho biết đối tượng tấn công đã bị tiêu diệt là một công dân Pháp 39 tuổi, từng bị bắt vào tháng 2/2017 do bị tình nghi âm mưu giết người, song sau đó được thả do không đủ chứng cứ. Năm 2005, đối tượng này cũng từng bị buộc tội âm mưu giết người, trong đó có âm mưu sát hại cảnh sát.
Cảnh sát Pháp đã bắt đầu tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng trên ở phía Đông Thủ đô Paris. Cảnh sát cũng cho biết đã có một vụ nổ súng khác gần địa điểm vụ khủng bố trên đại lộ Champs-Elysees. Vụ việc trên xảy ra chỉ hai ngày sau khi cảnh sát Pháp bắt giữ 2 thanh niên ở Marseille, miền Nam nước Pháp với cáo buộc âm mưu tiến hành một vụ tấn công tại nước này trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng một vào ngày 23/4.
Kể từ sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố trong năm 2015 khiến hơn 100 người thiệt mạng, nước Pháp vẫn chưa bình yên. Tình trạng khẩn cấp và mức báo động vẫn đặt ở mức cao nhất có thể. IS đứng đằng sau rất nhiều vụ tấn công khủng bố tại Pháp. Chỉ riêng từ năm 2015 đến nay, các vụ tấn công khủng bố do người của IS thực hiện đã cướp đi sinh mạng của 238 người tại Pháp.
Dù cảnh sát Pháp chưa công bố chính thức nhưng trang mạng Amaq của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công này. Theo Amaq, thủ phạm là Abu Yussef, công dân Bỉ và là thành viên của IS. Câu hỏi đặt ra là vì sao nước Pháp lại trở thành mục tiêu thường xuyên như vậy của các tổ chức khủng bố như IS?
Có thể tìm lời giải đáp ở việc Pháp tham gia vào nhiều cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, từ Trung Đông đến châu Phi. Hiện Pháp có hàng nghìn quân đang được triển khai ở nước ngoài. Việc Pháp đưa quân tới những quốc gia có đa số công dân là người Hồi giáo khiến nước này trở thành “kẻ thù” trong mắt những kẻ cực đoan.
Có thể kể ra nhiều bằng chứng. Chẳng hạn lãnh đạo của một nhóm Hồi giáo cực đoan có liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở khu vực Hồi giáo Maghreb (AQIM) đã kêu gọi các chiến binh dưới quyền và người ủng hộ tấn công Pháp để trả thù cho sự hiện diện của nước này ở châu Phi. Hay một trong những kẻ tham gia tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris đêm 13/11/2015 tuyên bố thẳng: “Đây là vì Syria”.
Một nguyên nhân khác gắn liền với việc Pháp có cộng đồng Hồi giáo đông đảo nhất Tây Âu, ước tính khoảng từ 5-6 triệu người. Trong khi đó, một số chính sách của Pháp - một nhà nước thế tục - đối với cộng đồng Hồi giáo như cấm đeo mạng che kín mặt nơi công cộng, cấm đội khăn trùm đầu trong các trường công… có thể gây nên sự phản ứng của cộng đồng Hồi giáo. Nhiều người Hồi giáo tại Pháp chỉ trích rằng, họ bị phân biệt đối xử tại trường học và nơi làm việc.
Một nguyên nhân khác là xu hướng cực đoan hóa đang ngày càng tăng trong lòng nước Pháp, trong khi có khoảng gần 1.600 người đang sống ở Pháp có mối liên hệ với các tổ chức khủng bố và sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khi được khuyến khích. Trong số khoảng 500 công dân Pháp đang chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria, 250 người đã trở về nước và trở thành mối đe dọa an ninh sau khi ngấm các tư tưởng cực đoan. Những kẻ này sẵn sàng thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên chính quê hương mình.
Nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với khủng bố, cho dù Paris đã quyết định bỏ ra 4 tỷ euro trong giai đoạn từ 2016-2019 và 7.000 quân nhân được huy động để ngăn chặn khủng bố.
Theo Hoàng Sơn/Báo An ninh Thủ đô

>> xem thêm

Bình luận(0)