Theo đó, đây sẽ là vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện điều này kể từ sau thời của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
|
Cho tới nay, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn trì hoãn việc lựa chọn người kế nhiệm. Ảnh Huffington Post |
Được biết, hiện các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tề tựu tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà - nơi sẽ tiến hành các cuộc thảo luận về cơ cấu nhân sự trong Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ 19, dự kiến diễn ra vào mùa Thu 2017.
Theo truyền thống, đại hội này được coi là sự kiện sẽ "xuất hiện" nhân vật nhiều khả năng kế nhiệm ông Tập Cận Bình nhất, sau khi nhà lãnh đạo này hết nhiệm kỳ - dự kiến vào năm 2022.
Tuy nhiên, cho tới nay, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn trì hoãn việc lựa chọn người kế nhiệm mình. Và trong khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn thường duy trì tầm ảnh hưởng sau khi chính thức về hưu, thì giới học giả lại ngày càng tin rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo đất nước, vượt mốc 10 năm.
Trên thực tế, Hiến pháp Trung Quốc đã đặt ra giới hạn nhiệm kỳ cho các chủ tịch nước và các bộ trưởng, song không đặt ra điều lệ tương tự đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.
Do đó, giới phân tích cho rằng nếu đạt được mục tiêu kéo dài nhiệm kỳ như vậy sẽ phạm vào quy định không chính thức từng được cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra, theo đó các đời Tổng Bí thư không được lãnh đạo quá 10 năm. Đây là nguyên tắc từng giúp Trung Quốc chuyển giao quyền lực êm thấm trong nội bộ Đảng Cộng sản kể từ những năm 1990.
Christopher K. Johnson, cựu chuyên gia phân tích thuộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS), cho hay "nhiều nhà phân tích hiện nhận định rằng ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục kéo dài nhiệm kỳ".
Chuyên gia Johnson cho rằng ông Tập Cận Bình đã phá vỡ một số "luật bất thành văn" trong Đảng kể từ khi nắm giữ cương vị Tổng Bí thư hồi năm 2012.
Theo đó, công cuộc chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã "đốn ngã" cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, phá vỡ "thỏa thuận ngầm" rằng các cựu lãnh đạo chóp bu được miễn nhiễm với cuộc chiến chống tham nhũng. Theo ông Johnson, công cuộc chống tham nhũng này cũng tạo động lực cho ông Tập Cận Bình tiếp tục kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước.
Bên cạnh đó, Willy Lam, chuyên gia chính trị thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, nhận định rằng có tới 60-70% khả năng ông Tập Cận Bình sẽ không từ bỏ cương vị lãnh đạo của mình. Theo ông Lam, Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm suy yếu những thách thức tiềm tàng nhất bằng việc thiết lập sự kiểm soát đối với quân đội và cảnh sát.
Tuần trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã áp đặt kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc - nơi có nhiều đối thủ của ông Tập Cận Bình và cũng từng sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Còn Giáo sư Victor Shih thuộc Đại học California ở bang San Diego (Mỹ) khẳng định rằng ông Tập Cận Bình đã đưa ra thông điệp rõ ràng về việc kéo dài nhiệm kỳ bằng việc tự phong cho mình làm người đứng đầu phần lớn các nhóm quyền lực mới trong nội bộ Đảng Cộng sản. Theo ông Shih, việc thực hiện điều này "sẽ tăng cường khả năng hạn chế những ai muốn thay thế ông Tập Cận Bình. Thêm vào đó, hiện vẫn chưa có ai kế nhiệm".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng khẳng định rằng việc kéo dài thời gian lãnh đạo đất nước cũng sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình theo đuổi các mục tiêu hoài bão về việc "chấn hưng dân tộc Trung Quốc" và tăng gấp đôi thu nhập bình quân thu nhập đầu người năm 2010 vào năm 2020 - đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.