Các nghị sĩ Ukraine hôm 21/5 đã quyết định hủy bỏ 5 thỏa thuận an ninh then chốt với Moscow, trong đó có thỏa thuận cho phép Nga đưa quân tới một khu vực ly khai của Moldova và mua vũ khí sản xuất tại Ukraine. Đây là một bước đi thêm nữa của chính quyền Kiev nhằm cắt đứt quan hệ với Nga, nước láng giềng sát nách cũng từng là một người “bạn lớn” thân thiết của Ukraine.
Những thỏa thuận vừa hủy bỏ trên thực tế đã bị tạm ngưng ngay từ khi nổ ra cuộc xung đột ở miền đông Ukraine cách đây 13 tháng – một cuộc xung đột mà Kiev đổ lỗi cho điện Kremlin đã kích động gây ra.
|
Tổng thống Ukraine Poroshenko. |
Tuy nhiên, quyết định ngày hôm qua của Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đồng nghĩa với việc sẽ cần phải có sự ủng hộ của những người làm luật trong các đảng phái thân phương Tây và theo chủ nghĩa dân tộc đang chiếm áp đảo ở Ukraine trước khi Kiev và Moscow có thể nối lại sự hợp tác trong các lĩnh vực một khi cuộc xung đột ở miền đông được giải quyết.
Quyết định của Quốc hội Ukraine cũng cho thấy một thực tế rõ ràng rằng, thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 2 gần như chẳng giúp ích gì cho việc xây dựng lại niềm tin giữa Moscow và Kiev.
5 thỏa thuận vừa bị Kiev hủy bỏ bao gồm một thỏa thuận chiến lược cho phép Moscow đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đi qua khắp Ukraine để đến khu vực nói tiếng Nga Transdniester của Moldova.
Thỏa thuận thứ hai bị bãi bỏ là một thỏa thuận mang tính chính trị, theo đó Nga và Ukraine cam kết bảo vệ các bí mật nhà nước của nhau. Thỏa thuận này được ra đời khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu bước vào điện Kremlin năm 2000.
Một thỏa thuận khác liên quan đến hoạt động vận chuyển quân sự trên khắp lãnh thổ Ukraine và thỏa thuận thứ tư liên quan đến việc mua bán vũ khí giữa Nga và Ukraine. Ukraine thừa hưởng rất nhiều cơ sở chế tạo vũ khí thời Xô-viết. Đây là những nơi tạo thành xương sống cho Lực lượng Vũ trang Nga.
Thỏa thuận cuối cùng bị hủy bỏ là thỏa thuận về việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Moscow và Kiev.
Trong ghi chú giải thích cho hành động của mình, Quốc hội Ukraine nói, mục đích của họ trong việc hủy bỏ các thỏa thuận với Nga là “vì lợi ích an ninh quốc gia, sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Bước đi trên của Kiev là một hành động quyết liệt thêm nữa nhằm tiến tới cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ từng gắn bó như anh em giữa Ukraine và Nga. Giới phân tích nhận định, cơ hội để Nga và Ukraine nối lại các mối quan hệ hợp tác về quân sự, kỹ thuật là dường như không thể trong viễn cảnh trung hạn. Phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Nga cũng không thể thay đổi dưới thời của Tổng thống Putin trong khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko công khai tuyên bố sẽ thực hiện mọi cải cách cần thiết để đưa Ukraine gia nhập vào Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2020. Tất cả những diễn biến này khiến mối quan hệ giữa hai nước láng giềng sát nách sẽ ngày một xa cách hơn.
Chính quyền Kiev gần đây liên tiếp có những động thái nhằm cắt đứt quan hệ với Nga một cách không thương tiếc. Mới đây nhất, hồi cuối tuần trước, Tổng thống Poroshenko đã chính thức ban hành đạo luật cấm mọi biểu tượng thời Xô viết cũng như các hoạt động tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản. Đạo luật này đã được Quốc hội Ukraine thông qua hồi tháng 4.
Cũng trong tháng 4, Kiev còn quyết định từ bỏ cái tên Xô-viết đặt cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II và bỏ dùng dải ruy băng St.George truyền thống thay vào đó hướng tới dùng hoa anh túc - một biểu tượng thời chiến của Anh, để kỷ niệm 70 năm ngày giành chiến thắng phát xít Đức.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai nước này xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Đây là cuộc khủng hoảng phơi bày rõ nét mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ người dân ở đất nước Ukraine với một bên có xu hướng thân phương Tây và bên kia muốn tiếp tục gắn bó với nước láng giềng Nga. Mâu thuẫn này được cho là đã âm ỉ từ lâu và được dịp bùng phát sau sự kiện ông Yanukovych quyết gác lại thỏa thuận hợp tác với EU để ưu tiên mối quan hệ với một nước Nga vốn có nhiều mối liên kết sâu đậm về lịch sử, truyền thống, văn hóa và cả huyết thống với Ukraine.
Trong khi Quốc hội Ukraine mải quan tâm đến việc cắt đứt quan hệ với nước láng giềng Nga thì dường như họ đang bỏ quên các vấn đề trong nước. Ngày hôm qua, ở trung tâm thủ đô Kiev, bên ngoài tòa nhà Quốc hội đã diễn ra các cuộc đụng độ, biểu tình phản đối chính quyền. Những người biểu tình phản đối tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Ukraine và những chi phí leo thang chóng mặt của các khoản vay cá nhân. Báo chí địa phương cho biết, nhiều người đã tìm cách đột nhập vào tòa nhà Quốc hội.
4 cảnh sát và 2 người biểu tình được cho là đã bị thương trong các cuộc đụng độ khi lực lượng biểu tình phong tỏa lối ra của tòa nhà Quốc hội.