Trung Quốc-Trung/Đông Âu: Tầm nhìn mới, phương pháp cũ

Google News

(Kiến Thức) - Một trong những mục đích chính của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ với các nước Trung và Đông Âu là nhằm mở rộng “quyền lực mềm” ở châu Âu.

Về mặt chiến lược, rõ ràng các nước Trung và Đông Âu đóng vai trò quan trọng trong dự án "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc với trọng tâm là xây dựng hành lang giao thông kết nối nước này với châu Âu. Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 giữa lãnh đạo Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông Âu (mô hình “16+1”), diễn ra tại thành phố Tô Châu (Trung Quốc), đã kết thúc với việc thông qua kế hoạch hợp tác trong năm 2016 cũng như trong trung hạn (đến năm 2020). Mục tiêu chính của kế hoạch bao gồm việc mở rộng kết nối hệ thống giao thông trong khu vực Trung-Đông Âu về cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, hệ thống viễn thông và hệ thống đường ống dẫn dầu.
Trung Quoc-Trung/Dong Au: Tam nhin moi, phuong phap cu
Quan hệ Trung Quốc-Trung/Đông Âu: Tầm nhìn mới, phương pháp cũ.
Việc kết nối giữa các cảng biển ở khu vực Baltic, Adriatic và Biển Đen cũng sẽ được mở rộng. Các thành viên của mô hình “16+1” cũng cam kết tăng cường lưu lượng vận chuyển bằng đường sắt và mở rộng hệ thống kho tàng, bến bãi. Tại hội nghị lần này, các dự án hợp tác phát triển giao thông và hậu cần giữa Trung Quốc và Latvia cũng được đưa ra bàn thảo (xây dựng, nâng cấp cảng biển, đường sắt và hàng không kết nối giữa Riga và Thành Đô) cùng với khả năng thiết lập hành lang giao thông kết nối châu Á và khu vực Bắc Âu với sự tham gia của Latvia.
Bên lề Hội nghị Tô Châu, các thỏa thuận trong lĩnh vực hạ tầng giao thông giữa Trung Quốc và các nước Tây Balkan cũng được ký kết. Trung Quốc đã kết thúc đàm phán và ký kết thỏa thuận liên chính phủ với Serbia và Hungary nhằm cụ thể hóa thỏa thuận đạt được tháng 12/2014 về hiện đại hóa hệ thống đường sắt kết nối Budapest và Belgrade. Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đàm phán đơn giản hóa thủ tục hải quan với Hungary, Serbia và Macedonia đồng thời triển khai dự án “Con đường tơ lụa mới” qua các nước Baltic.
Một trong những mục đích chính của Trung Quốc trong việc tăng cường quan hệ với các nước Trung và Đông Âu trong khuôn khổ “16+1” là nhằm mở rộng “quyền lực mềm” ở châu Âu. Mục đích này được thực hiện thông qua một loạt hoạt động ngoại giao nhân dân trong các văn kiện được thông qua tại Hội nghị Tô Châu, từ hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa đến nghệ thuật. Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu, báo giới và các nhà nghiên cứu về Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang hướng tới việc không chỉ xây dựng một hình ảnh tích cực ở châu Âu mà còn nhằm đối phó với nguy cơ dư luận khu vực này.
Trung Quốc cũng nỗ lực nhằm đảm bảo rằng các nước “thành viên kỳ cựu” của Liên minh châu Âu không coi mô hình “16+1” là thách thức đe dọa tới sự thống nhất nội khối bằng cách mời đại diện EU và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) tham dự Hội nghị Tô Châu. Hơn nữa, trong bài phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẵn sàng phối hợp các hoạt động trong khuôn khổ “16+1” với các chiến lược dài hạn của EU và kế hoạch hợp tác Trung Quốc-châu Âu như "Chương trình hợp tác chiến lược Trung Quốc-châu Âu đến năm 2020", kế hoạch thúc đẩy đầu tư ở châu Âu của Chủ tịch EC Juncker.
Một bước đi tương đối mới của Trung Quốc trong hợp tác với các nước Trung-Đông Âu tại Tô Châu là việc kết hợp khuôn khổ hợp tác “16+1” với kế hoạch 5 năm lần thứ 13 và các kế hoạch dài hạn của Bắc Kinh. Kế hoạch hợp tác trung hạn trong khuôn khổ “16+1” sẽ góp phần hỗ trợ các cải cách trong nước nhằm điều chỉnh mô hình kinh tế và nâng cao đời sống của người dân Trung Quốc đến năm 2020 cũng như kế hoạch mở rộng kết nối hệ thống giao thông giữa Trung Quốc và EU. Điều này cho thấy sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Trung Quốc với khu vực Trung-Đông Âu. Một mặt, cách tiếp cận mới này giúp khắc phục những hạn chế của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc thích ứng với điều kiện kinh tế của các nước khu vực Trung-Đông Âu, mặt khác tạo điều kiện cho Trung Quốc chủ động điều chỉnh cơ cấu và chiến lược phát triển kinh tế trong nước. Một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng, mới được thông qua tại Hội nghị Tô Châu lần này là nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm phục vụ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và giao thông như máy phát điện, thiết bị đường sắt, đóng tàu, sản xuất máy bay, ô tô cũng như các sản phẩm hóa chất, sắt thép và vật liệu xây dựng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc. Rõ ràng, điều này sẽ đem lại cơ hội hợp tác mới giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu.
Mặc dù Trung Quốc đã đề xuất tầm nhìn mới đầy tham vọng trong hợp tác với các nước Trung-Đông Âu trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp và nông nghiệp nhưng các công cụ triển khai chiến lược này gần như không có sự điều chỉnh, nhất là trong lĩnh vực tài chính. Điều này có thể khiến việc triển khai chiến lược hợp tác mới giữa Trung Quốc với các nước Trung-Đông Âu vấp phải những trở ngại đã và đang tồn tại trong nhiều năm qua: điều kiện ưu đãi đầu tư, sự hợp tác và phản ứng của các nước thành viên và các thể chế tài chính châu Âu, các quy định pháp lý liên quan của EU. Trong trường hợp các công cụ này không phát huy được hiệu quả, khả năng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quan hệ song phương hoặc sử dụng các công cụ tài chính khác ngoài khuôn khổ “16+1” như Quỹ “Con đường tơ lụa mới”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu phương Đông

Bình luận(0)