“Không an toàn sau ngày 10/4”
Triều Tiên vừa có công điện khẩn khuyến cáo đại sứ quán của các nước đang đóng ở thủ đô Bình Nhưỡng sơ tán nhân viên vì “không thể đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên này sau ngày 10/4”.
Theo BBC, Đại sứ quán Anh tại Bình Nhưỡng xác nhận đã nhận được thông báo từ phía Triều Tiên rằng cần phải nhanh chóng sơ tán nhân viên của các đại sứ quán ra khỏi Triều Tiên trước ngày 10/4. Đại sứ quán Nga cũng đã được thông báo với nội dung tương tự và được nhấn mạnh vào thời điểm ngày 10/4.
Tân Hoa xã đưa tin các quan chức LHQ cũng có mặt tại cuộc họp ở Bình Nhưỡng ngày 5/4, khi Triều Tiên thông báo yêu cầu các nhà ngoại giao nước ngoài xem xét sơ tán nhân viên khỏi Bình Nhưỡng và cảnh báo rằng, sự an toàn của họ có thể không thể được đảm bảo sau ngày 10/4. Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện rất căng thẳng và vấn đề hiện nay không phải là chiến tranh có nổ ra trên bán đảo Triều Tiên hay không mà là khi nào nó xảy ra.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc trong khu công nghiệp liên Triều Kaesong đã bất ngờ không đi làm từ hôm 5/4. Yonhap cho biết thêm, trong suốt 3 ngày qua, Triều Tiên đã ngăn cản công nhân Hàn Quốc nhập cảnh để vào khu công nghiệp này đồng thời tuyên bố Hàn Quốc cũng “nên khẩn trương rút hết công nhân của họ trước ngày 10/4”.
LHQ chưa rút nhân viên khỏi Triều Tiên
Theo Tân Hoa xã, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc (LHQ) Martin Nesirky ngày 5/4 cho biết LHQ hiện không có kế hoạch rút nhân viên khỏi Triều Tiên và đang nghiên cứu khuyến cáo của Bình Nhưỡng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
“Các nhân viên Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên vẫn tiến hành bình thường các công tác nhân đạo và phát triển”, ông Nesirky, người đang có chuyến công du với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại châu Âu cho biết.
Hiện có 36 nhân viên quốc tế và 21 người tại địa phương đang làm việc cho 7 cơ quan của LHQ và các chương trình ở Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Anh xác nhận là đã nhận được cảnh báo và cho biết “đang xem xét bước kế tiếp” nhưng không có kế hoạch ngay lập tức rút khỏi Bình Nhưỡng. Theo Yonhap, mặc dù không có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố không rút các công dân nước này đang làm việc trong các tổ chức phi chính phủ khỏi Triều Tiên.
Trong khi đó, các phái đoàn ngoại giao của 7 nước Liên minh châu Âu (EU) có Đại sứ quán tại Triều Tiên, gồm Anh, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania và Thụy Điển, hiện đang đánh giá tình hình và duy trì các hoạt động liên lạc chặt chẽ và thường xuyên.
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Paris coi tình hình ở Triều Tiên là “nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế, song Pháp chưa có kế hoạch sơ tán công dân khỏi nước này. Pháp hiện chưa mở Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng, song đã thành lập Văn phòng Hợp tác Pháp gồm các công dân Pháp làm việc cho các cơ quan phi chính phủ và các cơ quan của Liên hợp quốc tại Triều Tiên.
Người Hàn Quốc quá “nhàm chán” với những lời đe dọa
Theo AP, tin về Triều Tiên đang là “tin nóng” trên hầu hết báo chí thế giới, nhưng ở Hàn Quốc lại không hẳn như vậy. Khi Triều Tiên tuyên bố sẽ khởi động lại lò phản ứng hạt nhân, hầu hết báo chí Hàn Quốc lại ưu tiên giải thích các kế hoạch của chính phủ nhằm giãn thuế cho người mua nhà. Trên Naver, cổng thông tin web được nhiều người đọc nhất ở Hàn Quốc, tin được đọc nhiều nhất là thành công của cầu thủ bóng chày Ryu Hyun-jin gia nhập câu lạc bộ danh giá LA Dodgers.
Kang Dong-wan, một chuyên gia về quan hệ liên Triều tại Đại học Dong-A (Busan), nói rằng khi nghe quá nhiều đe dọa, người dân Hàn Quốc hiện thời đã không còn tin vào nguy cơ chiến tranh.
Tuy nhiên, ông Kang cho rằng bây giờ là lúc người Hàn Quốc nên chú ý tới những đe dọa từ Triều Tiên vì nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn đang tìm cách củng cố quyền lực và có thể chưa đủ kinh nghiệm để đưa ra quyết định quân sự đúng đắn. Theo ông, “một đốm lửa nhỏ sẽ dẫn tới đám cháy lớn bao trùm cả bán đảo. Bây giờ đang là mùa khô”.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng mặc dù Triều Tiên liên tục có những phát ngôn “đanh thép”, nhưng chiến tranh không phải là thứ họ mong muốn. Một nguồn tin tiết lộ với
NK News: “Kim Jong-un không muốn chiến tranh mà chỉ muốn thúc đẩy căng thẳng để đoàn kết dân chúng và tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt, cấm vận và bao vây kinh tế”.