Triều Tiên sẽ làm gì sau Thượng đỉnh Mỹ-Hàn?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn đầu tiên dưới thời Park Geun-hye khó có thể khiến Bình Nhưỡng thay đổi chính sách hiếu chiến hiện nay.

 Cuộc họp báo chung của Tổng thổng Park Geun-hye và Tổng thống Obama ở Washington.

Tại cuộc họp báo chung ở Washington, Tổng thống Park Geun-hye và Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng kênh đối thoại với Triều Tiên vẫn mở, nhưng hai nước sẽ phản ứng kiên quyết trước các hành động khiêu khích trong tương lai.

Các nhà theo dõi tình hình Triều Tiên cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn không đề ra  bất kỳ kế hoạch mới nào và vẫn bám lấy lập trường Triều Tiên phải tiến hành những bước đi đầu tiên và đáp ứng tất cả những cam kết trong quá khứ về loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Một nhà phân tích nói: “Trên thực tế, họ đã đá trái bóng trở lại phần sân của Bắc Triều Tiên, thông qua việc vẫn bám lấy đường lối dựa vào các biện pháp trừng phạt và gây sức ép buộc miền Bắc để thay đổi thái độ”.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng Mỹ và Hàn Quốc không hề đả động đến một hiệp ước hòa bình thay thế Hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay việc thành lập một cơ chế hòa bình mà Bình Nhưỡng đang tìm kiếm. Bình Nhưỡng liên tục kêu gọi ký kết một hiệp ước hòa bình là điều kiện để tiến hành đàm phán với Mỹ.

Chang Yong-seok, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Thống của Đại học Quốc gia Seoul, cho biết cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ tôn trọng các nguyên tắc nghiêm ngặt và khiến cho Bình Nhưỡng khó có thể đáp ứng một cách hòa giải. Ông nói: “Hai nhà lãnh đạo đồng thanh  kêu gọi Bắc Triều Tiên có những bước đầu tiên và cảnh báo rằng họ sẽ không tha thứ cho hành động khiêu khích”.

Một nhà quan sát Bình Nhưỡng khác cho rằng trong hoàn cảnh đó, Triều Tiên có thể đảo ngược thái độ hòa dịu gần đây và lại đối đầu với Seoul-Washington như nước này từng làm cho đến giữa tháng 4/2013.

 “Dựa vào những hành vi trong quá khứ, miền Bắc vẫn còn có thể  bất ngờ tấn công miền Nam như đã làm trong năm 2010”,  một nhà nghiên cứu tại một từ vấn nhà nước cho biết. Ông suy đoán rằng Triều Tiên có thể tăng tốc độ khởi động lại lò phản ứng Yongbyon và hoàn thành việc xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm. Cả hai cơ sở này đều có thể tạo ra vật liệu phân hạch được sử dụng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nhà phân tích Yang Moo-jin, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên, nói rằng Bình Nhưỡng có thể đã mệt mỏi trong việc gây căng thẳng, trong khi Hàn Quốc, Washington và thậm chí cả Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.

Các nhà phân tích cho rằng cần phải theo dõi cẩn thận những hành động mà Triều Tiên sẽ thực hiện để kỷ niệm 60 năm hiệp ước ngừng bắn chấm dứt cuộc xung đột Triều Tiên.

Đã có suy đoán rằng Triều Tiên có thể sử dụng Kaesong để lôi kéo Mỹ tham gia đối thoại. Nhưng do Washington đã đề ra những điều kiện cho sự thỏa hiệp, Triều Tiên khó có thể sử dụng khu công nghiệp Kaesong làm công cụ mặc cả.

Một quan chức chính phủ, yêu cầu giấu tên, nói thêm rằng Bình Nhưỡng có thể phải suy nghĩ thật kỹ về những hành động tiếp theo, khi biết rõ Hàn Quốc và Mỹ sẽ làm gì sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Washington.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo Yonhap)

Bình luận(0)