Tại sao TQ xử phúc thẩm "kín" Bạc Hy Lai?

Google News

(Kiến Thức) - Phiên tòa phúc thẩm về bê bối của chính trị gia bị thất sủng Bạc Hy Lai đã được xử kín, dù trước đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố xử công khai, minh bạch.

 Chính khách bị thất sủng Bạc Hy Lai (giữa).
Telegraph hôm nay đưa tin, phiên xử phúc thẩm Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Trùng Khánh liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood đã diễn ra trong bí mật.
Trước đó, thêm tội danh biển thủ công quỹ và lạm quyền, cựu chính trị gia đầy tham vọng họ Bạc đã trải qua phiên tòa sơ thẩm công khai hồi tháng 8. Truyền thông Trung Quốc thời điểm đó, không ngớt lời ca ngợi phiên tòa xử ông Bạc kéo dài trong 5 ngày tại Tế Nam là một “thử nghiệm” mạng tính lịch sử về tính minh bạch của Đảng Cộng sản cũng như đại diện cho sự chiến thắng của pháp luật.
Trong phiên tòa này, ông Bạc bị kết án tù chung thân và kết quả, ông kháng án. Song trái với những tuyên bố ban đầu, trong phiên tòa phúc thẩm, ông Bạc đã được xử kín.
Quan chức tòa án đã đến tận nơi ông Bạc Hy Lai đang bị giam giữ để xử án. Tại đây, họ đã xem xét các bằng chứng bằng văn bản và video của vụ án.
Quá trình kháng cáo có hiệu lực bắt đầu vào ngày tuyên án của ông Bạc hồi tháng 9, khi đội ngũ pháp lý của cựu Bí thư Trùng Khánh chính thức lên tiếng yêu cầu phúc thẩm.
“Thẩm phán đã tới trại giam bí mật để gặp ông Bạc, nghe bị cáo trình bày, trao đổi quan điểm và nhận các tài liệu bằng văn bản từ phía bị cáo”, Telegraph dẫn nguồn tin thân cận đưa tin.
Thẩm phán cũng xem các video từ phiên tòa sơ thẩm, kiểm tra các tài liệu có liên quan và đề nghị luật sư cố vấn. Li Xiaolin, một luật sư thân cận của gia đình bà Cốc Khai Lai, vợ của ông Bạc Hy Lai cho biết, ông tin rằng, phiên tòa phúc thẩm đã diễn ra bí mật và hoàn thành.
Chiều qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, phán quyết về vụ án Bạc Hy Lai sẽ được tòa án tối cao tỉnh Sơn Đông tại thành phố Tế Nam đưa ra vào lúc 10h sáng cuối tuần này
Giới quan sát cho rằng, quyết định xử kín và không cho phép truyền thông tiếp xúc với phiên xử phúc thẩm Bạc Hy Lai đã chứng tỏ tính chính trị nhạy cảm của vụ án. Đồng thời, động thái này cũng phản ánh mức độ quan ngại của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về cá tính “thích gì nói nấy”, phản ứng bộc trực, thẳng tuột của bị cáo trước tòa và giới truyền thông.
Trong phiên xử sơ thẩm, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, sau khi tòa tuyên án hồi tháng 9, ông Bạc Hy Lai đã tỏ ra phẫn nộ và hét to lên: “Bất công”, “Không công bằng”.
Theo đó, ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham bình luận, đây chính là bằng chứng chứng tỏ sau tất cả, Đảng Cộng sản không hoàn toàn cởi mở và minh bạch.
Thậm chí, “ngay cả phiên tòa công khai, minh bạch cũng không thực sự minh bạch. Phán quyết rõ ràng không phải được các thẩm phán thông qua mà được Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị quyết định”, ông Steve Tsang khẳng định thêm.
Giáo sư Tsang cũng tin rằng, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng đã quyết định phải tước bỏ mọi cơ hội lên tiếng, phát biểu sau khi bị bất ngờ bởi thái độ thách thức và lớn tiếng của ông Bạc trong phiên xử đầu tiên hồi tháng 8.
“Tôi cho rằng, họ có thể đã lường được việc ông Bạc có thể nói hoặc làm gì đó nhưng không mong ông ấy công khai thách thức như vậy. Họ chắc hẳn thỏa thuận với ông Bạc trước phiên tòa và chắc mẩm cựu Bí thư Trùng Khánh sẽ y theo kịch bản dựng sẵn. Nhưng rõ ràng, ông Bạc Hy Lai đã không làm như vậy”, Giáo sư Tsang nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Kerry Brown, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Sydney bình luận, phiên xử sơ thẩm cho thấy, ông Bạc Hy Lai vẫn chưa “kêu đủ, phát biểu đủ”. Do đó, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định phải “khóa miệng” ông Bạc, không cho ông thêm bất cứ cơ hội phản kháng, chống đối nào nữa.
“Lần này, giới lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc đã quyết định tốt nhất vẫn là làm theo phương pháp cũ”, Giáo sư Brown nhấn mạnh.
Bạch Dương (Theo Telegraph)

Bình luận(0)