Bình luận về vụ tấn công tên lửa mà Mỹ thực hiện nhằm vào căn cứ không quân của Syria rạng sáng 7/4, nhà báo, nhà phân tích quốc phòng Italy, Mirko Molteni cho Sputnik biết: “Tôi cho rằng Syria sẽ không chịu chung số phận như Yugoslavia, Iraq và Libya một khi những cường quốc nh Nga bảo vệ lợi ích của các nước này trong khu vực, đặc biệt là khi căn cứ hải quân của Nga ở Tartus và một căn cứ không quân khác ở rất gần với thành phố cảng Latakia của Syria”.
Việc Washington triển khai chiến dịch quân sự bất hợp pháp nhằm vào Syria cũng tương tự như rất nhiều hoạt động can thiệp quân sự khác mà Mỹ từng tiến hành ở các nước Trung Đông trong một vài thập kỷ gần đây.
Theo ý kiến của chuyên gia Molteni, kết quả sẽ còn phụ thuộc phần lớn vào việc Washington lên kế hoạch làm gì tiếp theo và liệu cuộc không kích sử dụng 59 tên lửa Tomahawk hôm 7/4 vừa qua chỉ là một hành động đơn phương riêng lẻ hay là bước đi mở màn cho một các hoạt động sắp tới.
|
Với sự bảo vệ của Nga, Syria dường như chắc chắn sẽ không phải chịu chung số phận như Libya hay Iraq. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga |
Chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra xác nhận liệu đây có phải là một biện pháp “dùng một lần” hay không, song phái đoàn của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc cho biết Washington “đã chuẩn bị để hành động nhiều hơn” mà không đưa ra bất kỳ chi tiết giải thích nào.
Chuyên gia Molteni nhận định: “Chúng ta nên chờ và xem liệu vụ tấn công bằng tên lửa hành trình này có giống với vụ tấn công năm 1998 vào nhà máy dược ở Sudan mà cựu Tổng thống Bill Clinton cho rằng vũ khí hóa học đã được sản xuất tại đó. Và sau một lần tấn công duy nhất đó, Mỹ đã không tiến hành thêm bất kỳ vụ không kích nào cũng như không đưa binh lính tới Sudan. Nếu đây chỉ là một hành động đơn lẻ thì nên hiểu rằng đó là thông điệp địa chính trị mà Washington muốn gửi tới Moscow và Bình Nhưỡng. Còn nếu có thêm các cuộc tấn công khác thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”.
Ông Molteni chỉ ra rằng Washington đã tiến hành vụ không kích mà không chính thức tuyên bố chiến tranh đối với chính phủ Syria. Rất nhiều bằng chứng cho thấy quyết định này không được cả Quốc hội hay Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn. Nói cách khác, đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tự ý hành động mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc của mình.
“Những hành động như vậy cho thấy một sự vội vàng. Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học ở Idlib là cái cớ thì sẽ không có thời gian để tạo ra một ủy ban điều tra để quyết định xem các chất độc này có phải do các lực lượng chính phủ Syria sử dụng hay không khi vụ tấn công nghi dùng khí độc mới chỉ xảy ra một vài ngày trước”, chuyên gia phân tích.
Ông Molteni cũng cho rằng vụ không kích lớn của Lầu Năm Góc có thể chỉ là một “nước cờ chính trị” liên quan đến các vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ.
“Vụ tấn công này khiến tôi nghĩ rằng ông Trump đã buộc phải nhượng bộ một số thành viên trong Quốc hội và chính phủ, những người không muốn Washington cải thiện quan hệ với Nga Việc thành viên đảng Cộng hòa David Nunes buộc phải rời khỏi Ủy ban Tình báo Hạ Viện, cơ quan chịu trách nhiệm điều tra mối liên hệ giữa Moscow và chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cho thấy giả thiết trên là hợp lý. Ông Nunes mới đây đã bị cáo buộc vì tiết lộ với Tổng thống rằng tình báo Mỹ đã đặt băng nghe lén ông một cách vô tình”, ông Molteni cho biết.
Theo chuyên gia này, những lý giải trên cho thấy rất nhiều khả năng vụ tấn công Syria của ông Trump chỉ là một hành động “bộc phát” và đơn lẻ, nhằm xao nhãng sự chú ý của quốc tế và giúp Tổng thống Trump có được lợi thế nhất định ở trong nước. Vì vậy, số phận Syria sẽ khó có thể trở thành một Libya thứ hai, tan tác, hỗn loạn và “vô chủ”.