|
Các chính khách Nhật Bản lũ lượt tới viếng đền chiến tranh Yasukuni.
|
Những ngày qua, một số quan chức cấp cao Nhật Bản, trong đó có em trai của Thủ tướng Abe, Thứ trưởng Ngoại giao Nobuo Kishi, Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Yoshitaka Shindo lũ lượt tới thăm đền chiến tranh gây tranh cãi Yasukuni bất chấp phản ứng mạnh từ láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các chuyến viếng thăm đền Yasukuni được xem là thông lệ trong một lễ hội mùa thu.
Dù không tới thăm đền, Thủ tướng Shinzo Abe cũng gửi lễ vật cúng tế. Báo Japan Times hôm qua dẫn lời ông Koichi Hagiuda, một thành viên trong Hạ viện, phụ tá thân cận của ông Abe trong Đảng Dân chủ Tự do đưa tin, rất có khả năng, Thủ tướng Nhật sẽ đích thân tới thăm đền Yasukuni cuối năm nay.
Phát biểu trước báo giới, ông Hagiuda tin rằng, trong năm đầu tiên ra mắt chính phủ mới, ông Abe nhất định sẽ tới viếng đền chiến tranh. Thủ tướng Abe bắt đầu giữ ghế Thủ tướng Nhật cuối năm ngoái và nhiều lần khẳng định, không thay đổi lập trường và tình cảm trong vấn đề đền chiến tranh Yasukuni.
“Một số người hối thúc ông Abe tới thăm đền thờ vài lần trong suốt nhiệm kỳ Thủ tướng. Song, việc thăm đền nên được thực hiện ít nhất một lần/năm”, ông Hagiuda nhấn mạnh.
|
Ông Keiji Furuya tới viếng đền chiến tranh Yasukuni.
|
Ông Keiji Furuya, Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng quốc gia - người tới thăm đền Yasukuni hôm 20/10 nhấn mạnh, việc viếng thăm đền chiến tranh gây tranh cãi là “hành động tự nhiên của một người Nhật Bản để tưởng nhớ, tỏ lòng tôn kính đối với những người đã khuất – những người đã cống hiến cuộc đời cho đất nước. Việc này không nhằm mục đích khiêu khích các nước láng giềng”. Trong khi, các quan chức khác khẳng định, họ tới thăm đền để cầu cho hòa bình.
“Việc tưởng niệm và vinh danh những người đã khuất trong chiến tranh được thực hành theo văn hóa và truyền thống riêng của mỗi quốc gia. Truyền thống đó thuộc phạm trù chủ quyền quốc gia và không nên bị tác động bởi sự can thiệp và phản đối của bên ngoài”, CNN dẫn lời các chính khách Nhật chủ trương viếng thăm đền thờ chiến tranh.
Tuy nhiên, các láng giềng của Nhật Bản lại không chia sẻ quan điểm này và mạnh mẽ lên án các chuyến viếng thăm đền Yasukuni của giới chức Nhật Bản.
Một bài xã luận, Hoàn cầu thời báo, tờ báo được cho là đại diện cho quan điểm, luận điệu của giới chính khách bảo thủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc và Hàn Quốc không bao giờ chấp nhận sự tồn tại của đền Yasukuni bất chấp tầm quan trọng và sự phụ thuộc lẫn nhau trong các quan hệ kinh tế và thương mại giữa 2 nước lớn đến mức nào”.
Trước đó, những chuyến thăm đền của các Thủ tướng và hàng loạt chính khách Nhật khác đã thổi bùng cơn giận dữ của Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Ngôi đền Yasukuni bị xem là biểu tượng của quân đội đế quốc Nhật Bản từng xâm lược và gây nhiều đau thương cho người dân ở các nước trên. Do đó, sự tồn tại và các chuyến thăm đền này bị các nạn nhân của Nhật xem là hành vi vinh danh tội phạm chiến tranh và chối bỏ các tội ác tàn bạo của họ ở châu Á.
Bắc Kinh đã triệu tập Đại sứ Nhật để bày tỏ phản đối về hành động viếng đền chiến tranh của giới chính khách Nhật. Trong khi đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, Seoul quan ngại sâu sắc về sự kiện này.
Về phía giới phân tích, theo ông Jeffrey Kingston, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple Nhật Bản mô tả, các đền thờ phản ánh lập trường và quan điểm ngoan cố về lịch sử chiến tranh của Nhật Bản.
“Lời giải thích rằng, họ tới viếng thăm đền chỉ để tỏ lòng tôn kính những người đã khuất trong chiến tranh là không hoàn toàn trung thực và xác đáng. Phía chính khách bảo thủ - chủ trương phủ nhận tội ác chiến tranh của Nhật Bản cổ vũ việc thăm đền. Mặt khác, những tờ báo như Asahi hoặc Mainichi chỉ trích các chuyến thăm đền bởi lo ngại dấy lên các hiểu nhầm chính trị nghiêm trọng”, ông Jeffrey Kingston nhấn mạnh.
Trong một bài xã luận mới đây, Asahi Shimbun kêu gọi Thủ tướng Abe tìm cách khác khôn khéo hơn và có khả năng tránh gây phản đối, chỉ trích ngoại giao từ láng giềng để tưởng niệm những người đã khuất trong chiến tranh.
Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò ở Nhật cho kết quả, phần lớn mọi người phản đối các chuyến thăm đền Yasukuni và quan ngại, việc này sẽ thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ, oán trách từ phía đông châu Á.
Tuy nhiên, Giám đốc Viện Tôn giáo và Văn hóa Nanzan Michiaki Okuyama lại đưa ra thông tin trái chiều rằng, gần một nửa công dân Nhật Bản ủng hộ việc thăm đền Yasukuni, đặc biệt là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên mạnh mẽ ở nước này.
“Trong bối cảnh Đông Á hiện nay khi chủ nghĩa dân tộc đang nổi lên mạnh mẽ, số người ủng hộ ngôi đền chiến tranh có khả năng đang gia tăng. Trong trường hợp này, một số chính trị gia Nhật có thể cho rằng, việc thăm đền Yasukuni sẽ mang lại lợi ích chính trị cho họ”, ông Okuyama nhấn mạnh.