Trong bài phát biểu tại Manila hôm 4/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng Mỹ không muốn bán tên lửa và các loại vũ khí khác cho Philippines, nhưng Nga và Trung Quốc đã nói với ông rằng họ có thể cung cấp vũ khí cho Manila một cách dễ dàng.
Tuyên bố nói trên của Tổng thống Rodrigo Duterte là mới nhất trong một loạt các tuyên bố thù địch gần hàng ngày nhắm vào Mỹ và đặt nghi vấn về số phận liên minh Mỹ-Philippines cũng như chiến lược tái cân bằng của Washington ở Châu Á để chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng quyết đoán.
|
Tức giận trước việc Mỹ bày tỏ lo ngại về cuộc chiến chống ma túy ở Philipines, Tổng thống Duterte đã nguyền rủa Tổng thống Barack Obama “xuống địa ngục". Ảnh reuters |
Tức giận trước việc Mỹ bày tỏ lo ngại về cuộc chiến chống ma túy ở Philipines, Tổng thống Duterte đã nguyền rủa Tổng thống Barack Obama “xuống địa ngục", cảnh báo rằng ông sẽ hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Mỹ và bắt tay với Nga, Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ đã hạ thấp những tuyên bố của Tổng thống Duterte và thay vào đó tập trung vào liên minh Mỹ-Philippines đã kéo dài hàng thập kỷ để đối phó với các động thái của Trung Quốc để thực thi tuyên bố chủ quyền Biển Đông.
Ngày 4/10, Nhà Trắng cho biết phía Mỹ đã không nhận được bất kỳ thông tin liên lạc chính thức nào từ phía chính phủ Duterte về việc thay đổi mối quan hệ song phương.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Philippines.
Mỹ và Philippines đã gắn bó với nhau hơn về mặt quân sự trong hai năm qua, tiến hành thêm các cuộc tập trận chung. Mỹ cũng đã đưa nhiều tàu chiến và máy bay quân sự ghé thăm Philippines và tăng cường các nỗ lực ngoại giao hướng tới Châu Á khi đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Philippines là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương theo Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài (FMF). Philippines đã nhận được 50 triệu USD từ trong FMF trong năm tài chính 2015.
Sự phụ thuộc vào các vũ khí và hệ thống của Mỹ có nghĩa là quân đội Philippines sẽ phải làm lại từ đầu cơ cấu chỉ huy và kiểm soát, nếu muốn chuyển sang hệ thống của Trung Quốc hoặc của Nga, theo giáo sư Richard Javad Heydarian của Đại học Salle De La ở Manila và là cựu cố vấn của Hạ viện Philippines.
Giáo sư Heydarian cho biết "Sẽ nảy sinh một số vấn đề với cơ cấu. Phải mất nhiều năm thì quân đội của Philippines mới có thể làm quen với công nghệ mới”.
Philippines đã chi 3,9 tỷ USD cho quân sự trong năm 2015, theo số liệu của SIPRI. Chi phí quân sự của Philippines đã tăng gần như hàng năm kể từ mức 2,4 tỷ USD trong năm 2010.
Mặc dù Nga có thể cung cấp các hệ thống vũ khí chất lượng cao, Philippines sẽ phải tính đến khả năng tương tác với các hệ thống vũ khí khí tài của Mỹ mà nước này đang sở hữu.
Nhà phân tích Lyle Goldstein, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói: "Người ta không thể đơn giản mua một radar từ quốc gia này và tên lửa từ quốc gia khác. Các loại vũ khí phải phối hợp làm việc với nhau”.
Ông Goldstein lưu ý rằng nhiều sĩ quan quân đội Philippines đã được đào tạo tại Mỹ và văn hóa quân sự của các nước có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Các mối quan hệ quân sự Mỹ-Philippines đã vượt quá xa việc đơn thuần bán vũ khí và mở rộng đến các cuộc tập trận chung và hỗ trợ cho việc bảo trì.
Nhiều khả năng, mục đích của Tổng thống Duterte là báo hiệu cho Trung Quốc rằng ông sẵn sàng để cắt giảm sự hợp tác quân sự Mỹ-Philippines hiện có, thậm chí có thể gạt ra rìa sự hợp tác này. Điều này có thể có nghĩa là chuyển địa điểm tập trận hàng năm “Vai kề vai” (Balikatan) Mỹ-Philippines khỏi Biển Đông hoặc từ chối để tiếp tục mở rộng sự truy cập của quân Mỹ vào các căn cứ của Philippines.
Theo giới chuyên gia, những động tác “làm mình làm mẩy” của Tổng thống Duterte cũng có thể là nhằm mục đích mua vũ khí Mỹ với giá rẻ hơn. Vũ khí của Nga và Trung Quốc thường rẻ hơn so với các hệ thống của Mỹ.