Chỉ mang tính phòng thủ?
Theo thông báo của Peter Woodmansee, người phát ngôn của Lực lượng phòng thủ tên lửa thuộc Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu EUCOM, Mỹ bắt đầu triển khai tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Incirlik thuộc tỉnh Gaziantep, cách biên giới Syria hơn 50km.
Trước thời điểm ngày 5/1/2013, một lực lượng bảo đảm kỹ thuật đầu tiên của Quân đội Mỹ đã tới căn cứ không quân Incirlik để hoàn tất công tác chuẩn bị. Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, Mỹ sẽ điều động tới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 400 quân trong những ngày tới để vận hành 2 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot. Các binh sĩ Mỹ sẽ đóng quân tại căn cứ ở tỉnh Gaziantep. Ngoài ra, 2 đồng minh khác của Mỹ trong NATO là Đức và Hà Lan, mỗi nước sẽ triển khai 2 khẩu đội Patriot cùng 400 quân tại các khu vực dọc biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Theo thông báo của EUCOM, các lực lượng của Quân đội Đức sẽ đóng tại vùng Kahramanmaras, cách biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria khoảng 100km về phía bắc. Còn các lực lượng của của Hà Lan phụ trách 2 khẩu đội tên lửa Patriot sẽ được bố trí tại Adana, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria 100km về phía Tây. Mỗi khẩu đội Patriot được biên chế từ 4 - 6 giàn tên lửa và một hệ thống rađa. Dự kiến, 6 khẩu đội này sẽ đi vào hoạt động trước cuối tháng 1/2013.
|
Tên lửa Patriot của Mỹ trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. |
Lo ngại của Nga và Trung Quốc
Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và một số nước đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên của NATO, cho rằng việc Mỹ và NATO triển khai lực lượng quân sự và tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm cho tình hình Syria và khu vực căng thẳng hơn. Thậm chí các chuyên gia phân tích và giới bình luận quân sự còn cho rằng đây có thể là bước đi tiếp theo của Mỹ và các đồng minh chuẩn bị cho sự can thiệp quân sự trực tiếp vào tình hình đang ngày càng diễn biến phức tạp tại Syria.
Lo ngại của Nga và Trung Quốc là hoàn toàn có cơ sở vì Syria hiện đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh khủng bố tàn bạo nhất do các lực lượng đối lập kết hợp với các tổ chức khủng bố quốc tế được chi viện toàn diện từ bên ngoài, kể cả các loại vũ khí hiện đại nhất, để lật đổ bằng được Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một khi các lực lượng đối lập đứng trước nguy cơ bị các lực lượng trung thành của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại, thì lúc đó Mỹ và NATO sẽ sử dụng các dàn tên lửa Patriot để thiết lập "vùng cấm bay" trá hình, mà thực chất là chi viện quân sự trực tiếp cho các lực lượng đối lập ở Syria, trước hết là các lực lượng đang chiến đấu chống lại Quân đội Syria tại trận quyến chiến chiến lược Allepo-cách không xa biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng như phân tích của các chuyên gia quân sự, việc Mỹ và NATO bố trí các tổ hợp tên lửa đánh chặn Patriot trên lãnh thổ một quốc gia thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ còn là một phần trong kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Nhận xét này được đưa ra trên cơ sở phân tích cách thức bố trí các dàn tên lửa Patriot. Theo các chuyên gia quân sự, nếu chỉ nhằm mục đích "ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía Syria", thì các dàn tên lửa này đã phải được bố trí theo một đội hình khác.
Vì thế, việc Mỹ và NATO triển khai tên lửa Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa cuộc xung đột Syria lặp lại kịch bản Libya, với hậu quả sẽ gây bất ổn và đe dọa hòa bình trên toàn bộ khu vực Trung Đông, thậm chí sẽ là bước khởi đầu gây bất ổn trên phạm vi vượt ra khỏi khu vực địa - chính trị quan trọng này.