Nghịch lý quan hệ “đối đầu-hợp tác” Trung-Mỹ

Google News

(Kiến Thức) -  Quan hệ Trung-Mỹ quả là phức tạp và đầy nghịch lý, bao hàm cả đối đầu địa chính trị lẫn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế "đôi bên cùng có lợi".


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng tháng 2/2012.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/6  diễn ra trong bối cảnh 2 nước đang trên bờ vực xung đột địa chính trị.

Trung Quốc được xem là cường quốc đang lên, sẵn sàng thách thức sự thống trị của Mỹ. Trong khi đó, lịch sử cho thấy chưa có bao giờ một  siêu cường “độc tôn” trên thế giới lại hạ vũ khí đầu hàng mà không chiến đấu.

"Sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc là một khẩu hiệu có lợi cho các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh. Trong khi đó, “sự suy giảm hòa bình” của Mỹ lại không bao giờ có thể giúp chính trị gia Mỹ, Dân chủ hay Cộng hòa giành được lá phiếu cử tri.

Địa chính trị gần như luôn là một trò chơi có tổng bằng không. Nếu Trung Quốc có thể sao chép, mô phỏng hoặc chế tạo các hệ thống phòng thủ tên lửa, chiến đấu cơ, trực thăng và máy bay không người lái Mỹ, địa vị toàn cầu của cường quốc số 1 thế giới chắc chắn sẽ bị lung lay. Và dĩ nhiên những thứ Mỹ mà đánh mất sẽ được chuyển sang cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, giữa hai đối thủ “khổng lồ” này vẫn còn có mối quan hệ thương mại ràng buộc. Tuần trước, tập đoàn Trung Quốc, International Holdings Shuanghui có trụ sở ở  tỉnh Hà Nam đã thỏa thuận mua lại hãng chế biến thịt lợn khổng lồ Smithfield Foods Inc (SFD) của Mỹ với giá 4,6 tỷ USD. Đây có thể xem là thương vụ thu mua một công ty Mỹ lớn nhất của một công ty Trung Quốc.

Sở hữu lẫn nhau các tài sản quan trọng xuyên biên giới rõ ràng không phải là yếu tố đảm bảo hòa bình một cách tuyệt đối và cũng không thể xóa sạch xung đột, tranh chấp cũ chỉ sau một đêm. Nhưng nó lại tạo ra động lực khiến cả hai bên để kìm chế và giảm xung đột chính trị, không để các bất đồng vượt qua lợi ích thương mại “khổng lồ”.

Đặt cạnh nhau những căng thăng đang leo thang trong quan hệ Trung-Mỹ liên quan đến các cuộc tấn công mạng và quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, người ta sẽ thấy nghịch lý của mối quan hệ Trung-Mỹ.

Chưa từng có một cường quốc đang lên nào lại phụ thuộc về kinh tế quá nhiều vào quốc gia đang bị thách thức. Điển hình là 25% thị phần của Mỹ dành cho các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh nắm giữ 8% nợ quốc gia còn tồn đọng như cái giá treo cổ lơ lửng trên đầu nước Mỹ. Đó là chưa kể khoảng 200.000 người Trung Quốc đang du học ở Mỹ và 80.000 người Mỹ đang sống và làm việc ở Trung Quốc.

Sự kết hợp giữa cạnh tranh địa chính trị và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đảm bảo các điều kiện để đối đầu Trung-Mỹ sẽ không đẩy hai bên vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới mà cùng lắm chỉ là cuộc xung đột qui mô nhỏ.

Nếu Liên Xô và Mỹ tránh được xung đột toàn diện vì cùng sở hữu khả năng hủy diệt hạt nhân, thì Trung-Mỹ  ngày nay cũng có thể tránh được một cuộc Chiến tranh Lạnh nhờ vào nguy cơ đổ vỡ của  quan hệ kinh tế “đôi bên cùng có lợi”. Cái giá về kinh tế trong một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ rõ ràng là “rất khủng khiếp” không chỉ đối với hai nước mà còn đối với kinh tế toàn cầu.   

Liệu Mỹ-Trung có giải quyết được nguy cơ xung đột?

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau về  kinh tế không hoàn toàn có khả năng ngăn chặn và xóa tan các mâu thuẫn, bất đồng cũ.

Nhưng xét một yếu tố tích cực, Trung Quốc đã đứng về phía Mỹ để kêu gọi Triều Tiên tái tham gia đàm phán 6 bên và ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là một dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã nhận ra rằng “đồng minh ngang bướng” của họ có khả năng gây rối loạn cho sự ổn định của khu vực.

Nhưng yếu tố tiêu cực là, Triều Tiên dường như không mặn mà với yêu cầu của “người anh cả” Trung Quốc. Tuy nhiên, giống như những gì từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh, những “quốc gia phụ thuộc” không phải bao giờ cũng nghe theo sự sắp đặt và chỉ bảo của “nước bảo trợ”.

Vấn đề đặt ra là Tổng thống Obama nên chuẩn bị điều gì cho hội nghị thượng đỉnh  Mỹ-Trung sắp tới ở California?

Đầu tiên, ông Obama phải hiểu được động cơ của đối phương. Trước mắt công chúng, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc muốn nước mình được Mỹ đối đãi như đối tác. Và Chủ tịch Tập Cận Bình – người đặt ra khái niệm “giấc mơ Trung Hoa” không thể không nỗ lực để đáp ứng sự kỳ vọng trên của công chúng. Trong thời gian tới, Trung Quốc cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào xuất khẩu của đất nước. Và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, hiện tại và cả tương lai, là duy trì địa vị cầm quyền của ĐCS Trung Quốc.

Nhận thức được động cơ trên giúp Mỹ có trong tay các đòn bẩy chính để đối phó với Trung Quốc đang cố thu hẹp khoảng cách công nghệ-quân sự. Thượng sách là duy trì sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường xuất khẩu Mỹ và rộng hơn là, nhu cầu của Trung Quốc để hội nhập vào nền kinh tế tòan cầu nhằm phát triển kinh tế trong nước.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ là hạ sách nếu ông Obama quyết tâm tách biệt bất cứ liên kết trực tiếp nào giữa các lợi ích an ninh của Mỹ và thái độ sẵn sàng chào đón các công ty Trung Quốc của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần kiên quyết không dung thứ cho bất cứ cuộc tấn công mạng nào nhằm mục đích thay đổi cán cân chiến lược-quân sự.

Một đất nước mưu toan đánh cắp các bí mật thương mại của quốc gia khác có thể trở thành kẻ thù về kinh tế. Tương tự, việc đánh cắp bí mật an ninh quốc gia của một nước khác là tín hiệu dự báo nước đó có thể trở thành mối đe dọa an ninh nguy hiểm.

Chiến lược dài hạn và duy nhất để giữ ổn định quan hệ “xung đột vừa phải” Trung-Mỹ chính là ưu tiên củng cố và phát triển hợp tác kinh tế. Hay nói cách khác là, lợi dụng sự kỳ diệu của thương mại và hợp tác kinh tế để thay đổi các động cơ đẩy các cường quốc vào tình thế đối địch với nhau.


TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bạch Dương

Bình luận(0)