Vào đầu năm 2011, các quan chức Nhà Trắng nhận ra rằng, họ đang đối mặt với một vấn đề: mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang gia tăng ở quê nhà.
2 năm kể từ khi Tổng thống Obama lên nhậm chức, nhiều công dân trẻ tuổi theo đạo Hồi đã âm mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngay ở quê nhà nước Mỹ, điển hình là một công dân suýt tiến hành thành công vụ đánh bom xe ở Quảng trường Thời đại. Các cố vấn Nhà Trắng kết luận, các nỗ lực của chính phủ chống lại chủ nghĩa cực đoan trong lòng cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ là một mớ hỗn độn rời rạc.
|
Ảnh minh họa
|
Ông Denis McDonough, cố vấn cấp cao cho Tổng thống Obama và hiện đảm trách chức vụ Chánh văn phòng Nhà Trắng, được giao phụ trách lập ra một chiến lược để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Được công bố vào mùa hè năm 2014, kế hoạch do ông McDonough đề xuất tập trung vào việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn giữa lực lượng an ninh với các lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ nhằm phát hiện các tên khủng bố cực đoan "mới chớm nở" và hướng họ đi theo con đường hòa bình.
Trong một bài phát biểu năm 2014, ông McDonough nói, Tổng thống (Obama) "đã hướng vào vấn đề này kể từ khi ông lên nhậm chức. Đằng sau các cánh cửa đóng kín, ông Obama khẳng định rằng, các nhóm an ninh quốc gia sẽ coi nạn chủ nghĩa cực đoan trong nước là một ưu tiên trong các nhiệm vụ".
Tuy nhiên sau một chuỗi các vụ tấn công vào dân thường do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện, đặc biệt là loạt sự kiện chấn động ở nước Pháp hồi tháng 1/2015, các nhà phê bình phàn nàn một điều rằng, kế hoạch đối phó với chủ nghĩa khủng bố của Mỹ dường như được thực thi theo kiểu nửa vời. Kế hoạch này thiếu thốn kinh phí và mang lại cho người Mỹ cảm giác không mấy an toàn tại thời điểm các nhóm Hồi giáo cực đoan liên tiếp tung thông điệp đe dọa tấn công.
"Tôi không cho rằng, chúng ta có một chiến lược rõ ràng (để đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng ở Mỹ). Chúng ta chẳng nhìn thấy một cơ quan đầu não nào đảm trách vấn đề này cả. Chẳng có khoản ngân sách nào được chi cho việc này cũng như các số liệu để đánh giá. Chúng tôi thậm chí còn không có một khái niệm chung về vấn nạn này", Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa thuộc Hạ viện Mỹ, ông Michael McCaul nói.
"Hãy xem xét thời điểm mà chúng ta bắt đầu. Quả thực, chúng ta cũng có những tiến triển. Chúng có thực sự phát huy được hay không? Điều này thì tôi không biết", cựu cố vấn an ninh cho Tổng thống Obama, ông Quintan Wiktorowicz nói.
Thêm vào đó, những người từng ủng hộ cho chương trình đối phó chủ nghĩa cực đoan của Mỹ lại càng thêm thất vọng khi hồi tháng 9/2014 Nhà Trắng thông báo sẽ chủ trì một hội nghị bàn riêng về việc này. Tuy nhiên, sự kiện đó đã bị hoãn lại 2 lần, còn ngày ấn định chính xác cho hội nghị đó vẫn chưa được đưa ra.
Một quan chức Mỹ nói thêm về kế hoạch chống chủ nghĩa cực đoan mà Washington chủ trương áp dụng như sau: "Kế hoạch (chống chủ nghĩa cực đoan) của chúng tôi lấy lực lượng thực thi luật pháp và cộng đồng địa phương là những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến ngăn chặn nạn cực đoan hóa bạo lực cũng như hoạt động chiêu mộ các thành viên", vị quan chức này cho hay.
Tuy nhiên, ông Wiktorowicz lại tập trung vào mối quan ngại mà ông McCaul đề cập phía trên. Cụ thể, không có khoản ngân sách liên bang cụ thể nào được phân bổ cho chương trình chống chủ nghĩa cực đoan.
Điều này đồng nghĩa với việc, chính quyền Mỹ có thể nhận lấy một kết quả không mấy khả quan trong việc tiếp cận cộng đồng người Hồi giáo ở nước này.
Một cựu quan chức chính phủ xứ cờ hoa còn thẳng thắn chia sẻ, các nhân viên FBI địa phương thường coi nhiệm vụ tiếp cận các công dân Hồi giáo trong cộng đồng dân cư là một "công việc xã hội", kéo họ ra khỏi các vụ án hình sự.
Tuy nhiên, chiến lược chống chủ nghĩa cực đoan đang gia tăng ở Mỹ do Tổng thống Obama khởi xướng lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình, các quan chức thực thi luật pháp ở Washington gọi chiến lược này là sai lầm và thậm chí còn phản tác dụng.
"Chiến lược hướng tới cộng đồng như vậy thực sự xây dựng trên một giả thuyết sai lầm. Có một cộng đồng người Hồi giáo đoàn kết. Họ, những người thủ lĩnh, biết ai là người xấu, nhưng họ đơn giản không muốn tiết lộ ra bên ngoài mà thôi", cựu nhân viên ngầm của FBI, ông Mike German nói.
|
Hai kẻ tấn công mang súng xông vào trụ sở tòa soạn báo châm biếm Charlie Hebdo ở Paris ngày 9/1. Chuỗi cuộc tấn công ở nước Pháp hồi tháng 1 đã làm dấy lên những lo ngại về chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới.
|
Chưa kể, một số lãnh đạo trong cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ đã lên tiếng phàn nàn về chiến lược trên của ông Obama. Khắc phục việc này, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson đã tổ chức các cuộc họp kín với những người đứng đầu cộng đồng Hồi giáo ở nước này.
Tuy vậy, nhiều quan chức Mỹ cho hay, sẽ có nhiều tên khủng bố trong nước được xác định thông qua các tin tức lấy được từ trong chính cộng đồng người Hồi giáo. Theo họ, lòng tin giữa lực lượng thực thi luật pháp và các thủ lĩnh Hồi giáo nếu tốt hơn sẽ giúp các nhà chức trách rất nhiều trong cuộc chiến này.
Ông German cảnh báo, chính sách tiếp cận như trên có thể sẽ là đòn phản tác dụng, gây nên những báo động giả.
"Chúng ta sẽ làm gì khi mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng gọi đến cho FBI thông báo về đứa con của họ có thể là một nghi phạm theo chủ nghĩa khủng bố cực đoan? Trong khi đó, thực ra đứa con đó của họ chỉ là một thanh niên có tính hung hăng mà thôi. Thay vì đổ các nguồn lực vào những người dân vô tội, chính phủ nên dành thời gian để mắt tới các đối tượng có dấu hiệu khả nghi", ông German bày tỏ.