Ly khai Ukraine bắn rơi UAV bằng Buk: chiêu bài tuyên truyền?

Google News

(Kiến Thức) - Việc lực lượng ly khai Ukraine dùng tên lửa Buk bắn rơi UAV của Quân đội Ukraine có thể chỉ là chiêu trò tuyên truyền của Ukraine.

Vạch trần loại UAV "bị bắn rơi"
Trên mạng Internet có một video clip, theo đó dân quân ly khai Ukraine đưa hình ảnh máy bay không người lái Tu– 143 “Reis” bị lực lượng này bắn rơi. Loại máy bay không người lái này có trong trang bị của Ukraine từ thời Xô Viết.
Lời mô tả kèm theo cho biết gần Shakhtersk lúc 13h30 ngày 01/8/2014 các chiến sĩ của phân đội Motorolla từ trạm gác số 20 "trên đường ôtô Donetsk– Snezhnoye đã phát hiện và bắn rơi mục tiêu bay của Ukraine, sơ bộ xác định là UAV”. 
Từ một nguồn tin khác ở Đông Nam Ukraine: dân quân đã bắn rơi máy bay không người lái của Quân đội Ukraine ở gần Shaktersk. Nguồn tin này cũng đưa thêm bức ảnh một binh sĩ được coi là binh sĩ ly khai kiêu hãnh giơ 2 ngón tay tạo chữ V chứng tỏ chiến thắng trên 1 chiếc UAV màu xanh. Bức ảnh khiến nhiều người đọc vốn không có hiểu biết chuyên sâu về quân sự không đặt câu hỏi về sự xác thực của bản tin.
 Dân quân Ukraine bên cạnh chiếc UAV Tu-143 Reis được cho là bị bắn rơi.
Mặc dù trên ảnh đúng là một dân quân do binh sĩ hay sĩ quan Quân đội Ukraine khó có thể "muối mặt" chụp ảnh với bộ mặt hân hoan đứng trên cánh máy bay bị rơi của quân đội mình. Quốc huy Ukraine trên đuôi “điếu xì gà khổng lồ” chỉ rõ ràng là nó thuộc về các lực ượng vũ trang nước này. Nhưng nó là máy móc gì và liệu nó có trong trang bị của quân đội Ukraine không? Các chuyên gia quân sự Nga xác định: Đây là máy bay không người lái Tu-143 Reis.
Đây là thứ đồ cũ, nhưng có độ tin cậy cao. Reis được thử nghiệm từ những năm 1970. UAV này được trang bị hàng loạt cho Quân đội Liên Xô vào nửa đầu những năm 1980. Khi Liên Xô tan rã, Quân đội Ukraine được thừa hưởng không quá 40 UAV loại này. Ukraine đã niêm cất gần 30 chiếc và không hề sử dụng cho đến mùa Xuân năm 2014. Tháng 4/2014 có mấy chiếc được phá niêm và mang đi thử. Sau đó chúng đã xuất hiện trong hậu phương của các đơn vị hoạt động ở Đông Nam Ukraine. Những chiếc còn lại đã được chuyển giao cho các bảo tàng và nhà truyền thống của nước này hoặc được thanh lý tận dụng.
Tu-143 Reis được xếp vào loại UAV để trinh sát, được Phòng thiết kế thử nghiệm của Tupolev nghiên cứu và thiết kế. UAV này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/1970 và được khai thác vào năm 1982. Có khoảng 950 chiếc Reis được sản xuất từ năm 1973 đến năm 1989.
Máy bay không người lái này được dùng làm nhiệm vụ trinh sát trong dải chiến thuật có sử dụng máy chụp ảnh và quay phim. Tu-143 Reis sẽ tiến hành trinh sát các mục tiêu diện và các đường hành quân độc lập, cũng như quan sát tình hình phát sóng vô tuyến dọc hành trình bay. Trang thiết bị cho phép từ độ cao 500 mét (khi thời tiết tốt) nhận biết và ghi lại trên phim các vật thể trên mặt đất có kích thước 20 x 20 Cm và lớn hơn. Độ cao lớn nhất để chụp ảnh và ghi hình video mà tính năng của UAV đảm bảo được là đến 1.000 m. Tu– 143 là thiết bị sử dụng nhiều lần có hệ thống hạ cánh bằng dù. Dù sẽ được bung ra từ khoang ở phía trên của thân máy bay.
Làm sao UAV lại rơi vào tay dân quân miền Đông Nam?
1. Giả thuyết là nó bị bắn rơi có xác suất thấp. Trên ảnh không thấy dấu vết hư hại của cỗ máy có cánh do súng máy, tên lửa phòng không vác vai hoặc bằng vũ khí khác gây nên. Còn “phần nắp” bị biến dạng của hệ thống dù trông rất lạ– nếu đó không phải là sửa bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh, thì có thể chỉ là hư hỏng cơ học trên mặt đất (với chất lượng và góc chụp của bức ảnh khó có thể nhận định chính xác về nguyên nhân hư hỏng).
Máy bay không người lái Tu– 143 Reis trưng bày trong viện bảo tàng.
Cần phải biết rằng sau khi kết thúc chuyến bay Tu– 143 Reis quay về theo chương trình đã cài đặt cho nó đến chỗ hạ cánh, ở đó sau khi động cơ ngừng và động tác cơ động “nhào xuống” sẽ thực hiện hạ cánh nhờ hệ thống dù– phản lực và chân càng hạ cánh. Khi đó thân và cánh UAV vẫn nguyên vẹn. Chúng ta thấy rõ như vậy trên ảnh. Căn cứ vào các dây dù thò ra từ thân máy bay, đây có thể là UAV được lấy ra từ bảo tàng. Một chuyên gia đã nói: “Chắc đơn giản là người ta đã lấy nó từ bảo tàng vứt ra đồng để chụp ảnh tuyên truyền, còn bây giờ họ lại chất nó lên xe và trả lại bảo tàng?.
2. Không thể loại trừ, là UAV đã bị Quân đội Ukraine bỏ lại khi rút lui trên bãi của sân bay quân sự hay nơi cho nó cất cánh cũ. Sau đó dân quân đã phát hiện trong đám cỏ dại và nó được trưng ra như bị bắn rơi để tuyên truyền.
3. Đây chẳng phải là UAV nào cả, mà là bia tập bắn cho Phòng không PVO và Không quân VVS. Ngay từ thời Liên Xô UAV loại này đúng là đã được chuyển đổi thành bia tập bắn. Như vậy, không thể loại trừ là dân quân đã tìm thấy ở khu vực đóng quân của một đơn vị (cấp trung đoàn trở lên) Không quân VVS hay Phòng không PVO của Quân đội Ukraine.
4. Còn một giả thuyết nữa cũng không thể loại trừ. UAV của quân đội Ukraine có thể “bị kiểm soát” bởi các chuyên gia điện tử trong hàng ngũ dân quân (có thể, những người đã từng làm việc với hệ thống này khi phục vụ trong quân đội). Không chỉ một lần đã xảy ra trường hợp UAV không tuân theo lệnh của “chủ nhân” và chuyển sang bên đối phương biết mật mã điều khiển nó.
Tháng 12/2013, Iran công bố một video clip ngắn, theo đó thấy rõ máy bay không người lái siêu bí mật của Mỹ RQ– 170 Sentinel (Lính gác) rơi vào tay Teheran. Khí đó người Mỹ đã thông báo ngắn gọn rằng đã mất liên lạc với máy bay không rõ vì lí do gì. 
Đoạn clip cho thấy rất rõ, là UAV thực chất không bị bất cứ hư hại gì (giống như trường hợp với “Reis”). Các thông số của UAV Mỹ cũng đã được công bố– sải cánh và thành phần trang thiết bị điện tử. Các phương tiện thông tin đại chúng của Iran đã đưa tin, là các chuyên gia Nga và Trung Quốc đã đề nghị chính quyền Iran cho tiếp cận UAV. Sự việc trước đó có tin Nga đã cung cấp cho Iran tổ hợp trinh sát kỹ thuật vô tuyến mặt đất IRTR 1L222 “Avtobaza” càng làm cho vụ việc giật gân này thêm gay cấn. Báo Flightglobal là tờ báo đầu tiên khẳng định, là tổ hợp tác chiến điện tử Nga đã có thể trở thành công cụ lý tưởng để xâm nhập vào các kênh điều khiển UAV từ một máy tính đặt ở xa.
Đây không phải là lỗ thủng an ninh đầu tiên của đặc nhiệm Mỹ trong việc bảo vệ các kênh thông tin liên lạc với UAV. Cuối năm 2009 chuyện phát hiện ra trên máy tính xách tay của quân nổi dậy Iraq lưu giữ ghi hình video nhiều giờ chặn thu từ UAV Mỹ đã từng gây tiếng vang lớn. Hóa ra, kênh liên lạc của các UAV với trung tâm điều hành trên mặt đất thậm chí dã không được mã hóa. Và để có được thông tin như của người Mỹ, người Iraq đã dùng chương trình SkyGrabber của Nga, được bán trên mạng Internet với giá 720 Rub. Trên trang mạng của nhà sản xuất SkyGrabber nó được mô tả như sau: “SkyGrabber– đó là chương trình phần mềm để “đi câu” vệ tinh. SkyGrabber thu và xử lý những gì được truyền đi từ vệ tinh, lấy ra các files và lưu giữ chúng vào đĩa cứng của bạn theo các bộ lọc đã cài đặt sẵn”. Muốn nói gì thì nói, những người nổi dậy Irắc đã câu rất sát cá.
Các phương tiện thông tin đại chúng Ukraine nói gì về chuyện này?
Các phương tiện thông tin đại chúng Ukraine khẳng định, rằng “dân quân đã dùng tên lửa “Buk” bắn rơi UAV của Ukraine. Từ vùng lãnh thổ Ukraine người ta đã đưa UAV cất cánh nhằm mục đích phát hiện hệ thống phòng không của những kẻ li khai. Tuy nhiên khi trở về căn cứ UAV đã bị bắn hạ. Chắc là, từ một trang bị như vậy những kẻ đánh thuê chuyên nghiệp đã bắn rơi máy bay chở khách Boeing– 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines, Bộ chỉ huy chiến dịch chống khủng bố Ukraine nhận định. Còn việc trên UAV không có dấu hiệu hư hỏng nhỏ nhất nào đó; thì các “chuyên gia” này không quan tâm. Cả việc nếu như chiếc UAV này bay cao không quá 1.000 mét, nghĩa là nó có thể bị bắn rơi bằng tên lửa phòng không vác vai PARK, thì họ im lặng. 
Thông số Tu-143 Reis

 

Sải cánh: 2,24 m
Chiều dài: 8,06 m
Chiều cao: 1,545 m
Diện tích mặt cánh: 2,90 m2
Khối lượng: 1.230 Kg
Tốc độ bay bình thường: 950 Km/h
Tầm bay thực tế: 180 Km
Thời gian chuyến bay: 13 phút
Trần bay thực tế: 1000 m
Độ cao bay tối thiểu:10 m
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)