Khủng hoảng Ukraine có khiến Chiến tranh Lạnh “hồi sinh”?

Google News

(Kiến Thức) - Sự kiện Ukraine và việc Crimea sáp nhập vào Nga ngày 18/3 làm dư luận lo ngại liệu thế giới có trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Cục diện “Chiến tranh Lạnh đối đầu Xô-Mỹ” và bố cục “Ba cực Mỹ-Trung-Xô” cơ bản kết thúc năm 1991 sau hơn 40 kéo dài. Bố cục chiến lược “Nhất siêu đa cường” hình thành, nhưng cùng với sự phát triển của các nước đã làm cục diện thế giới nhiều thay đổi.
Diễn biến tình hình Ukraine thời gian qua đã vượt khỏi phạm vi một nước cũng như châu Âu, trở thành vấn đề toàn cầu và đang hình thành một bố cục chiến lược thế giới mới sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga ngày 18/3. Thế giới lo ngại đối đầu Mỹ - Nga và bố cục chiến lược tam giác Mỹ - Nga- Trung có thể lại tái hiện như trước đây.
 Cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến nhiều người lo ngại thế giới sẽ bước vào "Chiến tranh Lạnh thế kỷ 21".
Năm 1946, khi thăm Mỹ, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill chỉ trích Liên Xô dựng lên “Bức màn thép”, ngăn cản hợp tác với Phương Tây. Đầu năm 1947, Chính quyền hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bị lung lay, có nguy cơ sụp đổ bởi lực lượng du kích cộng sản tấn công. Tổng thống Mỹ khi đó là Harry Truman tuyên bố viện trợ can thiệp vào hai nước và công bố chính sách “Ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, chống lại Liên Xô”. Đây được coi là cái mốc khởi đầu cho “Chiến tranh Lạnh” chi phối thế giới kéo dài hơn 40 năm trong thế kỷ 20.
Năm 1991, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, cơ bản kết thúc Thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”. Mỹ vẫn là nước hùng mạnh nhất với GDP năm 2012 tới 16.000 tỉ USD cùng với tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới. Trung Quốc về GDP đứng thứ hai với gần 7.300 tỉ USD năm 2012. GDP của Nga năm 2011 chỉ có 2.022 tỉ USD, nhưng về quân sự ngang bằng với Mỹ và hơn hẳn Trung Quốc. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng bố cục thế giới là “Nhất siêu đa cường”, trong đó Mỹ là “Siêu cường” đứng đầu cùng với các cường quốc khác.
Quan hệ siêu cường từ đối đầu sang đối thoại
Chiến tranh Lạnh kết thúc, mối quan hệ Trung-Mỹ, Nga-Mỹ, Trung-Nga đều được cải thiện đáng kể, nhất là Trung-Mỹ được phản ánh rõ nét qua quan hệ buôn bán với kim ngạch năm 2011 tới 447 tỉ USD. Tiếp đó là quan hệ Trung-Nga với kim ngạch năm 2012 đạt 90 tỉ USD, còn buôn bán Nga-Mỹ năm 2012 chỉ đạt 45 tỉ USD.
Quan hệ ba nước thời gian qua tuy có những mâu thuẫn và cọ sát, nhưng không đối đầu, đối kháng mà hợp tác và đối thoại là chính. Theo đó, Trung Quốc-Nga xây dựng quan hệ “Đối tác hiệp tác chiến lược lâu dài”; Trung Quốc và Mỹ xây dựng quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược mang tính xây dựng” và có cơ chế “Đối thoại chiến lược và kinh tế”; Nga và Mỹ năm 2002 đã ký “Hiệp ước cắt giảm lực lượng chiến lược mang tính tấn công” và “Tuyên bố chung quan hệ chiến lược kiểu mới” giữa hai nước. Ba nước hiện có nhiều lợi ích chung đan xen chằng chịt với nhau và đều dựa vào nhau để phát triển.
Quan hệ giữa các siêu cường sau Chiến tranh Lạnh chuyển dần từ đối đầu sang đối thoại hợp tác.

Ngoài ra, ba nước đều có mặt trong các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, APEC, G20. Trung Quốc và Nga có cơ chế hợp tác Thương Hải (SCO), Nhóm BRICS. Chính vì vậy, nguy cơ chiến tranh thế giới do quan hệ thù địch như trước đây không còn, trái lại cả ba nước đều có trách nhiệm đối với những sự kiện mang tính toàn cầu như chống khủng bố, chống ô nhiễm.
Mỹ và Nga vẫn có các nước đồng minh, nước vệ tinh nhưng không nghiêm ngặt theo “Chiếc gậy chỉ huy” như trước. Trung Quốc ngoài Bắc Triều Tiên ra, không có quan hệ đồng minh với nước nào. Bởi vậy, “Gậy chỉ huy” như thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây không còn.
Chính vì vậy, các nhà phân tích cho rằng nguy cơ “Chiến tranh Lạnh” đã qua rồi. Nhưng thực tế phát triển những năm qua đã làm thay đổi thế bố trí chiến lược và cục diện thế giới. Kinh tế Trung Quốc ngày càng vươn lên mạnh mẽ, cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ.
Kinh tế khiến nguy cơ Chiến tranh Lạnh trở về
Theo đánh giá năm 2020 có thể ngang bằng Mỹ, trong khi kinh tế Nga cũng trỗi dậy mạnh mẽ, hiện GDP đã lần lượt vượt Pháp, Brazil, Italy vươn lên nền kinh tế thứ 7 thế giới, dự kiến trong 5 năm tới đứng thứ 5 thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Nga tới trên 600 tỉ USD, là nước đứng ngoài tổ chức OPEC có sản lượng dầu lửa lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, do sa lầy trong hai cuộc Chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, tiếp đó khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2007, làm cho nền kinh tế Mỹ sa sút, lâm vào suy thoái. Khi lên nắm quyền năm 2009, Tổng thống Obama tiếp nhận một hành trang bi đát do người tiền nhiệm Bush để lại với món nợ công tính tới ngày 30/4/2011 tới 14.280 tỉ USD, bằng 97,5% tổng GDP năm 2010. Thâm hụt ngân sách năm tài chính 2011 tới trên 830 tỉ USD, bằng 10,7% GDP, vượt quá xa mốc cảnh báo 3% quốc tế quy định. Tỉ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao từ 9% - 10%. Trong khi đó kinh tế châu Âu ngày càng lún sâu vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng.
Nền kinh tế Nga, Trung phát triển mạnh mẽ trong khi kinh tế Mỹ gặp khó lại khiến các cường quốc cạnh tranh gay gắt với nhau.
Tình hình này đã làm thay đổi cục diện thế giới, địa vị “Siêu cường” của Mỹ bị suy giảm. Ba nước bắt đầu cạnh tranh gay gắt với nhau để giành giật thị trường và vị thế chiến lược. Mâu thuẫn và cọ sát Trung Quốc - Mỹ chủ yếu tập trung về ngoại thương và ở các Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Bắc Á, Châu Phi. Cọ sát Mỹ - Nga chủ yếu tập trung trên lĩnh vực vũ khí chiến lược hạt nhân và ở các Khu vực châu Âu, Trung Đông, Trung Á. Trong đó, Mỹ và NATO liên tục dồn ép Nga về phía đông tới sát sân nhà của Nga.
Do thực lực của Nga này càng tăng lên và đang lấy lại địa vị nước lớn trước đây, bởi vậy, Mỹ muốn tranh thủ Trung Quốc để cô lập Nga, nên thời gian qua phía Mỹ đưa ra ý tưởng “Nhóm G2” là Mỹ và Trung Quốc chi phối các Nhóm G khác như G8, G20. Tuy nhiên, đây chỉ là ý tưởng và phía Trung Quốc thận trọng và từ chối. Mâu thuẫn Mỹ - Nga ngày càng nổi lên, điển hình gồm: vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề Syria và hiện nay là vấn đề Ukraine. Bởi vậy, hai nước Mỹ và Nga đều muốn tranh thủ Trung Quốc như thời kỳ trước đây.
Trước tình hình này, nhiều nhà phân tích có quan điểm bi quan, lo ngại Bố cục thế giới có thể trở lại “Thời kỳ Chiến tranh Lạnh” như trước đây là đối đầu Mỹ - Nga và cục diện “Tam giác mới” là Mỹ - Nga – Trung. Bố cục này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chiều hướng phát triển của thế giới cũng như việc xử lý các sự kiện thế giới lớn.
 Ảnh minh họa.
Chiến tranh Lạnh khó có thể “hồi sinh”
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu chiến lược có quan điểm lạc quan hơn cho rằng khó có thể trở lại “Thời kỳ Chiến tranh Lạnh” như trước đây. Cho dù có hình thành bố cục “Tam giác Mỹ-Nga-Trung” nhưng do lợi ích chiến lược của từng nước, nên giờ đây cả ba nước vẫn cần tới nhau, vẫn phải dựa vào nhau để phát triển, chứ không thể đối đầu như trước.
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc lớn vào kinh tế Mỹ và Phương Tây thì kinh tế Nga mang tính độc lập hơn, ít phụ thuộc vào kinh tế Mỹ và Phương Tây. Bởi vậy, sự trừng phạt kinh tế tài chính của Phương Tây đối với Nga có hạn, hơn nữa các nước Phương Tây, nhất là châu Âu vẫn cần tới Nga.
Ngược lại, Nga vẫn cần tới Mỹ và Phương Tây, nhất là châu Âu, một thị trường lớn nhất của Nga. Kim ngạch buôn bán Nga – EU chiếm tới 50 % tổng kim ngạch buôn bán của Nga. Bởi vậy, Tổng thống Putin từng tuyên bố châu Âu là mái nhà chung của Nga và Nga mong muốn hợp tác với EU.
Diễn biến tình hình Ukraine là hệ quả cạnh tranh giữa các nước lớn thời gian qua, tuy nhiên thế giới khó có thể lặp lại “Thời kỳ Chiến tranh Lạnh” như trước đây. Xu thế hòa bình, đối thoại và hợp tác vẫn là dòng chính chi phối sự phát triển của thế giới. Tình hình Ukraine chỉ là đám mây đen tạm thời trùm lên châu Âu và thế giới.
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)