Israel chóng quên “bài học xương máu” ở Lebanon

Google News

(Kiến Thức) - Nhà phân tích tình báo Bruce Riedel của Viện Brookings cho rằng Israel đã chóng quên “bài học xương máu” ở Lebanon, khi tiến hành không kích Syria.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dùng không quân tấn công các mục tiêu trong và xung quanh Damascus.

Hơn hai năm qua, Israel đã tỏ ra khôn khéo khi không can dự vào cuộc nội chiến ở Syria. Nhưng trong tuần qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dùng không quân tấn công các mục tiêu trong và xung quanh Damascus.

Khi xem xét các bước kế tiếp ở khu vực bất ổn này, sẽ là khôn ngoan đối với Israel khi nhớ lại nhà nước Do Thái đã can dự  vào cuộc nội chiến Lebanon như thế nào và đã  thất bại ra sao cũng như những hậu quả bất ngờ, ngoài ý muốn.

Israel từng bị cuốn vào "đầm lầy" Lebanon

Syria và Lebanon có cùng một chính trường chia rẽ bè phái. Và cả hai nước đều do các giáo phái thiểu số thống trị quá lâu và sa vào nội chiến đầy bạo lực. Israel bắt đầu can thiệp vào công việc nội bộ của Lebanon hồi những năm 1960, khi Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) xây dựng trụ sở chính ở đó. Bắt đầu với một cuộc không kích sân bay quốc tế Beirut năm 1968, chính phủ Israel ngày càng bị cuốn hút vào “đầm lầy xung đột chính trị” ở  Lebanon.

Trong năm 1978, Israel đã xây dựng một đội quân đánh thuê ở miền Nam Lebanon và tạo ra một “vùng đệm” để bảo vệ miền Bắc Israel trước các cuộc tấn công khủng bố. Tương tự, Israel hiện cũng có “một vùng đệm” ở Syria và có một đối tác là người Druze.

 Năm 1982, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ariel Sharon, đưa quân xâm lược Lebanon.

Năm 1982, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ariel Sharon, xâm lược Lebanon để tạo ra một "Trung Đông mới" nhằm tiêu diệt PLO và chế độ Hafez al-Assad ở Syria. Thế nhưng “Chiến dịch Hòa bình cho Galilee” (Operation Peace for Galilee) đã dẫn đến các vụ thảm sát Sabra và Shatila, vụ đánh bom doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ, hai cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ, một cuộc nổi dậy suốt 18 năm ở miền Nam Lebanon, sự thức tỉnh của phiến quân Shia và tạo ra Phong trào Hezbollah.

“Chiến dịch Hòa bình cho Galilee” dẫn đến “Chiến dịch Trách nhiệm” (Operation Accountability) năm 1993, “Chiến dịch Chùm nho phẫn nộ” (Operation Grapes of Wrath)  năm 1995 và cuối cùng là Israel đơn phương rút quân khỏi miền Nam Lebanon vào tháng 5/2000, bỏ rơi các đồng minh người Lebanon.

Nhưng chiến tranh qua biên giới vẫn tiếp diễn và trong năm 2006, một nửa triệu người Do Thái đã buộc phải rời bỏ nhà cửa trong cuộc chiến tranh 34 ngày với Hezbollah. Hiện thời, Hezbollah có nhiều vũ khí hiện đại hơn bao giờ hết.

Can thiệp quân sự kết thúc trong thảm họa

Ở mỗi giai đoạn can thiệp tai hại của Israel ở Lebanon, các nhà lãnh đạo nhà nước Do Thái thường tự biện minh rằng họ hành động để “tự vệ”. Nhưng những hành động “tự vệ” này lại dẫn đến những hậu quả khôn lường. Rất đau đớn là các cơ quan tình báo Israel, được coi là tốt nhất trên thế giới, thực sự không hiểu cuộc đấu đá nội bộ ở Lebanon và không thể dự đoán được những hậu quả tai hại do các hành động quân sự của Israel sẽ mang lại. Cho đến khi  Ehud Barak rút Lực lượng Phòng vệ Israel khỏi Lebanon vào năm 2000, nhà nước Do Thái đã phải trả một giá khủng khiếp: hơn 1.400 binh sĩ và gần 200 dân thường bị thiệt mạng.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhiệt tình ủng hộ chính sách “Trung Đông mới” của Thủ tướng Sharon.

Cuộc phiêu lưu quân sự của Israel lại được các vị Tổng thống Mỹ bênh vực. Ronald Reagan là một người nhiệt tình ủng hộ chính sách “Trung Đông mới” của Thủ tướng Sharon. Một số bậc thầy tình báo như  Bob Ames của CIA từng cảnh báo Reagan rằng chính sách “Trung Đông mới” sẽ kết thúc trong thảm họa. Không may, Bob Ames đã bị thiệt mạng trong vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Beirut lần đầu tiên.

Việc Israel tăng cường can thiệp vào Syria chỉ củng cố thêm lập luận vô lối của Tổng thống  Bashar Assad rằng ông đang đối mặt với một âm mưu sử dụng các phần tử khủng bố al-Qaeda để phục vụ cho lợi ích của Israel và Mỹ. Nhiều người Arập và Hồi giáo sẽ tin vào cái “thuyết âm mưu” này và sẽ khoanh tay đứng nhìn chứ không chịu giúp phe đối lập Syria.

Tháng trước, Mặt trận al-Nusra có liên hệ với al-Qaeda đã công khai tuyên bố lòng trung thành với trùm khủng bố Ayman al-Zawahiri (thủ lĩnh số 1 của al-Qaeda) và chiến đấu chống Israel, sau khi lật đổ chế độ Assad. Lãnh đạo Mặt trận al-Nusra đã công khai đòi trả lại những vùng đất của Syria trên Cao nguyên Golan mà Israel đã đánh chiếm trong cuộc chiến tranh năm 1967. Và không một bên nào lại muốn  al-Nusra thừa hưởng kho vũ khí hóa học khổng lồ của Syria.

Các cuộc không kích của Israel, dù có được tiến hành xuất sắc đi chăng nữa, cũng không thể làm cho tình hình Syria trở nên ổn định và cũng không thể ngăn cản Hezbollah cũng như al-Nusra chiếm được những thứ vũ khí chết người mới.

Việc Israel không kích Syria để ngăn chặn một lô hàng tên lửa tới tay Hezbollah xem ra chẳng thấm vào đâu nếu so với những hậu quả mà hành động này mang lại.

Trên thực tế, mọi nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị của Israel ở Lebanon đều đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn và vô cùng tai hại.  Không có lý do gì để tin rằng Israel sẽ nhận được những hậu quả tốt lành hơn với các cuộc can thiệp quân sự vào Syria.

Bruce Riedel là giám đốc Dự án tình báo của Viện Brookings. Vốn là một nhân viên CIA chuyên nghiệp. ông Riedel từng tư vấn cho 4 đời tổng thống Mỹ về các vấn đề Trung Đông và Nam Á.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo The National Interest)

Bình luận(0)