Trong bối cảnh thông tin Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông năm nay đang thu hút sự chú ý của dư luận, một vị tướng của nước này công khai tuyên bố, quân đội nên nắm lấy mọi cơ hội để thử sức mạnh và khả năng chiến đấu trên thực tế. Nói cách khác, ông này ủng hộ quân đội Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm các đảo tranh chấp.
Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy của Học viện Quốc phòng Quốc gia của quân đội Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn mới đây nhấn mạnh, việc tận dụng và nắm bắt các cơ hội như vậy sẽ giúp quân đội Trung Quốc đạt được sức mạnh sánh ngang với cường quốc số 1 thế giới là Mỹ.
“Một lực lượng quân đội không thể giành được chiến thắng nghĩa là một lực lượng vô dụng. Những vùng biên giới mà chúng ta đã giành được (nhờ chiến đấu và chiến thắng) đều ổn định và hòa bình hơn. Còn những khu vực mà chúng ta tỏ ra nhún nhường, yếu mềm thì đầy rẫy tranh chấp, căng thẳng”, Tướng Lưu tuyên bố.
|
Quân đội Trung Quốc tập trận trên biển ở tỉnh Sơn Đông năm 2005.
|
Tướng Lưu cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đã không dính líu hay khởi động bất cứ một cuộc chiến nào kể từ sau cuộc xung đột với Việt Nam năm 1979. Trong khi đó, quân đội Mỹ lại khởi động nhiều chiến dịch quân sự quy mô trong những thập kỷ gần đây. Theo ông Lưu, dưới thời lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, quân đội Trung Quốc đã đọ sức với quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); đấu với quân đội Ấn Độ năm 1962 và Liên Xô năm 1969.
Tiếp đó, ông Lưu hô hào, quân đội Trung Quốc đang có “cơ hội chiến lược” để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông.
|
Tướng diều hâu Trung Quốc Lưu Á Châu.
|
Tuy nhiên, giới học giả và chuyên gia quân sự nước này cho rằng, chủ trương như vậy là cực đoan, sai lầm và không phản ánh chính sách thực tế của Bắc Kinh. Theo họ, quan điểm “cực đoan, hiếu chiến” của Tướng Lưu có thể phản ánh chủ trương của một bộ phận lãnh đạo quân đội liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Song đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ theo đuổi quan điểm ngược lại với chiến lược của chính phủ Trung Quốc. Việc thảo luận về xung đột và chiến tranh chỉ có hại cho các lợi ích lâu dài của Bắc Kinh.
“Tuyên bố của Tướng Lưu chỉ phản ánh quan điểm của riêng ông ấy hoặc một bộ phận nhỏ giới chức quân sự cấp cao chứ không phải là toàn bộ đội ngũ lãnh đạo quân đội”, Thiếu tướng đã về hưu Xu Guangyu nhấn mạnh.
Trong khi đó, Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự Macau nhấn mạnh, tuyên bố của ông Lưu rõ ràng phản ánh sự ủng hộ của ông này đối với các hoạt động quân sự khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như Biển Hoa Đông sau khi Bắc Kinh đơn phương thiết lập cái gọi là Khu vực Nhận dạng Phòng không mới bao gồm cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản Điếu Ngư/Senkaku năm ngoái.
“Những tuyên bố của ông Lưu chắc chắn nhằm mục đích chứng tỏ quân đội Trung Quốc mạnh mẽ ủng hộ và kiên quyết thành lập Khu vực nhận dạng Phòng không trên Biển Hoa Đông”, ông Antony Wong Dong tuyên bố.
Chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Li Jie Liu nhấn mạnh, việc Tướng Lưu cho rằng, sức mạnh quân sự Trung Quốc đã mang lại hòa bình, ổn định tại các khu vực biên giới là ngớ ngẩn, nực cười. Chuyên gia này khẳng định, an ninh biên giới của Trung Quốc không hề dựa vào sức mạnh quân sự. Chúng ta có tới hơn 20 láng giềng và gần như toàn bộ vùng biên giới đều yên ổn. Chỉ có một vài nước từng xung đột với chúng ta và hiện nay không nhiều khu vực biên giới ở trong tình trạng bất ổn.
Đồng tình, chuyên gia Hải quân Ni Lexiong ở Thượng Hải nhấn mạnh: “Chiến thắng của quân đội Trung Quốc trong bất cứ cuộc chiến tranh, xung đột nào (chẳng hạn với Liên Xô, Ấn Độ) cũng không mang lại ổn định thực sự cho Trung Quốc. Thành tựu đến từ các cuộc đàm phán ngoại giao, chính trị mới chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và hòa bình cho Trung Quốc trong suốt những thập kỷ qua”.