Hoạt động cải tạo đất của TQ hủy hoại môi trường ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Hoạt động cải tạo đất phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái rạn san hô đa dạng bậc nhất trên thế giới.

Kể từ năm 2014, các phương tiện truyền thông nhiều nước không ngừng tố cáo Trung Quốc đang tích cực tiến hành loạt dự án cải tạo đất phi pháp ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo đá và xây dựng đường băng hạ cánh trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông qua cái gọi là chiến dịch xây "vạn lý trường thành cát" ở đó, Bắc Kinh dần dần đẩy mạnh các yêu sách lâu dài vô lý của họ đối với các đảo đá đó rồi cuối cùng là "chiếm" gần trọn diện tích Biển Đông. Vào thời điểm này, nhiều chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang đẩy nhanh tiến độ các công trình cải tạo đất.
Hoat dong cai tao dat cua TQ huy hoai moi truong o Bien Dong
 Hình ảnh ghi lại công trường xây dựng trái phép của Trung Quốc ở đá Gạc Ma. Ảnh chụp ngày 25/2/2014.
Vào tháng 4/2015, tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy - FP) công bố một loạt bức ảnh vệ tinh chỉ ra, Trung Quốc đã xây một đường băng dài gần 3.000 mét trái phép trên bãi đá Chữ Thập.
Các hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông của Bắc Kinh đã nhận nhiều sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng công luận trong khu vực và trên thế giới. 
Trước tình thế này, vào tháng 1/2013, chính quyền Philippines đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài quốc tế để vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc dựa trên bản đồ "Đường 9 đoạn" phi lý. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh tỏ thái độ bất hợp tác và khẳng định không tham gia vụ kiện tụng này.
Trong khi các nước không ngừng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế trong cuộc tranh chấp Biển Đông thì theo số liệu mới nhất từ Washington, Bắc Kinh hiện bồi đắp được hơn 6.000 mét vuông ở vùng này.
Ở một khía cạnh khác, các nhà khoa học cho rằng, các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông đang hủy hoại hệ sinh thái rạn san hô đa dạng bậc nhất trên thế giới. Cụ thể, Quần đảo Trường Sa là mái nhà của hơn 571 loài san hô khác nhau, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho các loài cá cư trú dưới đại dương và từ đó giúp cho các ngư dân kiếm kế sinh nhai dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Alan Freidlander, nhà sinh vật học tại Đại học Hawaii và là một chuyên gia về sinh thái rạn san hô chia sẻ quan điểm về vấn đề này như sau: "Việc nạo vét và cải tạo đất trên các rạn san hô ở Biển Đông đang gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được tới một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên thế giới".
Còn Viện trưởng Viện Luật Biển và Hàng hải thuộc Đại học Philippines, ông Jay L. Batongbacal cho biết, hoạt động này cũng gây tác động tiêu cực tới các khu vực quanh những rạn san hộ đó. Cho tới nay, chừng 311 ha san hô ở khu vực này đã biến mất, dẫn tới khoản thiệt hại kinh tế hàng năm ước tính 110 triệu USD đối với Philippines.
Trong lần trao đổi với 15 phóng viên nước ngoài vào hôm 11/5, Giám đốc Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA), ông Zhang Haiwen đưa ra luận điệu rằng, mục tiêu cuối cùng của nước này ở Biển Đông là "để đạt được sự phát triển bền vững trong nền kinh tế biển". 
Lập trường của SOA đối với hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông dường như mâu thuẫn với các trách nhiệm về môi trường mà họ gây ra. 
Ông Zhang lặp đi lặp lại về kế hoạch bảo vệ, khôi phục các rạn san hô cũng như bảo tồn các hệ sinh thái tổng thể của Biển Đông. Tuy nhiên, ông ta lại từ chối trực tiếp đưa ra lời giải đáp đối với câu hỏi về mâu thuẫn rõ ràng rằng, hoạt động cải tạo đất trái phép của họ đang hủy hoại hệ sinh thái ở Biển Đông.
Vị đại diện Trung Quốc không ngượng mồm khi nói rằng, họ có toàn quyền trong việc tiếp tục các hoạt động bồi đắp, cải tạo đất, đá ở Biển Đông. 
Thanh Nga (theo Foreign Policy)

>> xem thêm

Bình luận(0)