|
Tổng thống Iran đang mãn nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.
|
Ngay từ nhiệm kỳ đầu, chính sách đối ngoại của Tổng thống Ahmadinejad là ngừng hợp tác với Mỹ và Tây Âu. Trong nhiều bài phát biểu, ông đã đả kích dữ dội, phủ nhận quyền tồn tại của Israel.
Tổng thống Ahmadinejad duy trì quan điểm cứng nhắc trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Ông Ahmadinejad muốn Iran trở thành cường quốc hạt nhân, chấp nhận mọi hậu quả kéo theo. Iran ngày càng trở nên không khoan nhượng trong đàm phán. Tám năm làm tổng thống, ông Ahmadinejad đã đẩy mọi giải pháp đi vào bế tắc.
Năm 2005, Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền dưới khẩu hiệu công bằng xã hội và phân chia lợi nhuận dầu mỏ cho mỗi người dân. Tám năm qua, chính phủ Ahmadinejad thu được 1,2 nghìn tỷ USD bán dầu mỏ. Nhưng điều này không hề làm tăng mức sống của nhân dân cũng như sự thịnh vượng cho nền kinh tế.
Bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, Tổng thống Ahmadinejad công bố kế hoạch Hệ thống trợ cấp có chọn lọc. Ông cũng gọi đó là "cuộc phẫu thuật" cho nền kinh tế Iran. Mục đích đề ra là hỗ trợ các tầng lớp nghèo của xã hội. Ý tưởng hợp lý về mặt kinh tế, nhưng mang tính chất dân túy và xốc nổi, không vạch ra kế hoạch từng bước. Khoản tiền rất lớn đã được đưa vào xã hội. Trong tám năm, khối lượng tiền mặt lưu hành tăng gấp sáu lần. Tỷ lệ lạm phát năm 2012 được Iran công bố chính thức là hơn 30%. Các nhà kinh tế ước tính chỉ số thực tế có thể tới 60-70%.
Số người thất nghiệp ở Iran không hề giảm đi. Theo báo cáo của trung tâm thống kê nhà nước, khoảng một phần tư người lao động không tìm được việc làm. Trong tám năm qua, khối lượng hàng sản xuất và xuất khẩu cũng giảm. Dưới áp lực cấm vận của Mỹ và EU, xuất khẩu dầu mỏ Iran ngày một ít đi. Trước khi có các biện pháp trừng phạt, Iran xuất khẩu 2,2 triệu thùng mỗi ngày. Con số trong những tháng gần đây không vượt quá 700.000 thùng. Mỗi năm, nước Cộng hòa Hồi giáo bị mất tới 50 tỷ USD nguồn thu dầu mỏ.
Hầu như các ứng viên tổng thống Iran đều cáo buộc chính phủ Ahmadinejad không đàm phán hiệu quả về vấn đề hạt nhân, dẫn tới những biện pháp trừng phạt tài chính và kinh tế nghiêm trọng đối với đất nước.
Bà Nina Mamedova, người đứng đầu bộ phận Iran thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông tỏ ra đồng tình với nhận định này: “Nói chung, đáng lưu ý là chính sách hạt nhân và chính sách đối ngoại đối đầu gay gắt của Tổng thống Ahmadinejad đã dẫn tới sự thắt chặt cơ chế trừng phạt. Đường lối đối ngoại của nhà lãnh đạo Iran làm xấu đi tình hình kinh tế".
Một số chuyên gia nhận định, nền kinh tế mà ông Ahmadinejad sẽ “giao lại” cho người kế nhiệm nếu không lâm vào tình trạng sụp đổ thì cũng ở trong khủng hoảng sâu sắc, đòi hỏi tìm kiếm, áp dụng những giải pháp cấp bách và hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: