Theo đài Sputnik của Nga, tuyên bố ngày 13/10 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận của giới truyền thông Nga về việc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đang xem xét khả năng "quay trở lại" Cuba và Việt Nam, nơi trước đây đã có căn cứ quân sự Liên Xô (Nga). Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov đã nói về điều đó.
|
Tàu chiến Gepard, Molniya của Việt Nam tại căn cứ hải quân Cam Ranh. Ảnh ttvnol.com |
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, một quan chức có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao Nga, yêu cầu không nêu tên, bình luận về cuộc tranh luận này như sau:
"Không có gì mới, không có gì giật gân trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Năm 2002, Nga đã quyết định rút khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh và các đối tác Việt Nam ngay từ đầu đã tuyên bố rằng ở Việt Nam sẽ không có các căn cứ quân sự nước ngoài. Lập trường nhất quán của Việt Nam là cơ sở hạ tầng của các căn cứ phải được sử dụng vì lợi ích của đất nước”.
Về tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov về việc cơ quan của ông đang xem xét khả năng quay trở lại các căn cứ cũ ví dụ, ở Việt Nam, quan chức Bộ Ngoại giao trên nói phía Nga không chính thức “đặt vấn đề như vậy”.
Về phần mình nhà khoa học chính trị Nga, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik nhận xét:
"Việt Nam hoạt động theo phong cách quen thuộc của mình - bảo vệ các lợi ích quốc gia. Một vài năm trước đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định chính sách ‘ba không’: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Đã mấy năm liền, Việt Nam thực thi chính sách này nhằm tăng cường chủ quyền quốc gia. Về mặt này Việt Nam có ưu thế nổi bật so với các nước láng giềng, ví dụ như Thái Lan, Philippines, mà trên lãnh thổ các nước đó có bố trí các căn cứ quân sự Mỹ. Việt Nam không cho nước nào bố trí căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình. Việt Nam sử dụng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh để cung cấp hậu cần cho các tàu chiến nước ngoài: kể cả các tàu chiến Nga cũng được cấp dịch vụ sửa chữa-kỹ thuật, nạp nguyên liệu. Tàu chiến của Mỹ và những quốc gia khác cũng cập cảng này theo thỏa thuận đã thông qua với phía Việt Nam. Vì vậy, không có gì giật gân ở đây cả, tất cả mọi việc đang diễn ra như bình thường. Chỉ có việc không hiểu tại sao Bộ Quốc phòng Nga không chú trọng đường lối chính trị mà Việt Nam đang thực thi trong những năm qua. Đáng lẽ nên kiềm chế không đưa ra những tuyên bố mà chưa thống nhất với Bộ Ngoại giao Nga".