Ba sự kiện trọng gần đây sẽ định hình cuộc chiến Syria. Đó là chiến thắng của Quân đội Syria ở Aleppo, vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc họp ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ở Moscow vào ngày 20/12/2016. Cuộc gặp ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran chính là hậu quả của thay đổi trong cán cân quân sự ở Syria sau chiến thắng Aleppo.
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Iran Mohamad Javad Zarif bước vào phòng họp ba bên ở Moscow. Ảnh Reuters |
Với việc tăng cường được sức mạnh quân sự, tính hợp pháp của chính phủ Syria ngày càng được củng cố. Nga, Iran và Syria dường như đang ở vào vị thế có thể áp đặt được lập trường của họ trong các cuộc đàm phán sắp tới. Các nước này muốn dùng các thắng lợi quân sự để có được những nhượng bộ chính trị. Quan trọng nhất là gạt vấn đề “thay đổi chế độ” ở Syria khỏi chương trình nghị sự, qua đó gia tăng sự chấp nhận quốc tế và tính hợp pháp của chế độ của Tổng thống Assad.
Với việc chính phủ Syria kiểm soát hầu hết các trung tâm đô thị lớn ở Syria, các cuộc đàm phán đa phương theo định dạng trước đây – bất kể là ở Geneva hay ở Vienna - đã mất ý nghĩa. Damascus và các bên hậu thuẫn sẽ không bao giờ tham gia các cuộc đàm phán với tiền đề “Tổng thống Assad phải ra đi”.
Giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Syria?
Ba trong số bốn quốc gia quan trọng nhất có ảnh hưởng đến cuộc nội chiến Syria đã có mặt ở Moscow. Mặc dù không có sự tham dự của Mỹ, ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng của việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, với cam kết như bảo lãnh cho bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào mà chính phủ Syria và phe đối lập có thể đạt được.
Cuộc chiến chống khủng bố, với trọng tâm chống các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Jabhat Fateh al-Sham (Mặt trận al-Nusra cũ có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda) là trung tâm của thỏa thuận ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.
Tuy nhiên, triển vọng của sáng kiến mới này cũng sẽ không mấy lạc quan như các tác giả của nó miêu tả. Giảm bớt thảm họa nhân đạo và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria là hai vấn đề riêng biệt.
Mặc dù cuộc gặp ba bên Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran có thể là công cụ nhằm giảm bớt khủng hoảng nhân đạo ở Syria, ít có khả năng nó mang lại một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.
Sự vắng mặt của Mỹ là một lỗ hổng lớn của thỏa thuận Moscow. Việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Syria vẫn chưa đầy đủ, nếu không có sự tham dự của Washington, trừ khi người Mỹ chấp nhận để cho các cường quốc khác đề ra một lộ trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria mà không cần đóng góp của họ.
Sự can dự của Mỹ cũng là điều cần thiết để giải quyết những vấn đề về "những loại cấu trúc chính trị cần được thiết lập ở các vùng lãnh thổ bị nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo từng chiếm đóng, một khi đánh bại IS". Đây là một câu hỏi lớn sẽ bao trùm lên các cuộc đàm phán tiếp theo.
Những trở ngại to lớn còn ở phía trước
Đối với phe đối lập, thỏa thuận này có thể được xem như là một sự áp đặt vào một thời điểm họ đang suy yếu và cần phải được loại bỏ, nếu họ có trong tay cơ hội đầu tiên. Tương tự, chế độ của Tổng thống Assad dường như không tuân thủ một thỏa thuận, nếu Damascus cảm thấy có thể đạt được ưu thế hơn nữa thông qua vũ lực.
Ngoài ra, việc vắng mặt của Các đoan vị bảo vệ nhân dân ( PYD) của người Kurd và Hezbollah phản ánh sự cạnh tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Qui chế của lực lượng dân quân Shia, Hezbollah, và PYD lẽ sẽ là mắc mớ lớn trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Iran có ảnh hưởng lớn đến hơn 100.000 tay súng của Lực lượng bán quân sự (NDF) và lực lượng dân quân Shia tại Syria (PDF).
Ngày 26/11, Quốc hội Iraq thông qua một đạo luật hợp pháp hóa hơn 100.000 dân quân của Các lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) của người Shia vào cấu trúc an ninh của đất nước. Rất có thể, Iran sẽ thúc đẩy quá trình hợp pháp hoá tương tự cho lực lượng dân quân Shia ở Syria. Ankara nhận thức đây là một mối nguy hiểm nghiêm trọng đe dọa đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự hiện diện ngày càng tăng của Iran ở Syria và Iraq là đáng báo động đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang tìm mọi cách để hạn chế vai trò của Tehran. Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói về sự cần thiết phải chấm dứt mọi sự can dự của lực lượng Hezbollah ở Syria khi nói chuyện với các phóng viên tại Moscow. Điều này phản ánh việc Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với ảnh hưởng ngày càng tăng của lực lượng dân quân Shia ở cả Syria lẫn Iraq. Đây chính là một nguồn gốc bất đồng giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ: một mâu thuẫn lớn trong các cuộc đàm phán tương lai.
Nga và Iran đã được chứng minh năng lực đảo ngược cục diện có lợi cho chính phủ Syria trong chiến tranh, nhưng hai nước này khó đạt được thành công tương tự trong việc mang lại hòa bình ở Syria.