Cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq đang dần di tới hồi kết khi quân đội nước này liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Chính phủ Iraq hôm 5/10 tuyên bố giành lại thị trấn Hawija, thành trì cuối cùng của IS tại miền Bắc và là một trong 2 thành trì cuối cùng của nhóm khủng bố tại Iraq, trong khi cách đây chỉ hơn 3 năm, 1/3 lãnh thổ nước này nằm dưới sự kiểm soát của IS.
|
Các lực lượng Iraq chống IS. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại thủ đô Paris, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi đang có chuyến thăm Pháp hôm 5/10 tuyên bố, Quân đội nước này đã giải phóng thị trấn miền Bắc Hawija từ IS và hiện nhóm khủng bố chỉ còn kiểm soát một khu vực duy nhất tại nước này.
Ông Al-Abadi nói: “Tôi xin thông báo với tất cả người dân Iraq, các lực lượng vũ trang Iraq, những người yêu chuộng hòa bình, các đối tác trong liên minh quốc tế và tất cả những người đã phải chịu đựng sự kiểm soát của IS rằng chúng ta đã giải phóng thành phố Hawija. IS hiện chỉ còn kiểm soát một khu vực duy nhất ở biên giới với Syria”.
Trước đó một ngày quân đội Iraq cũng cho biết, cùng với cảnh sát và các lực lượng bán quân sự khác đã giải phóng toàn bộ khu vực trung tâm Hawija và khu vực xung quanh ở phía Tây thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk.
Được ví là “Kandahar của Iraq”, tên thành phố được xem là thành trì của nhóm phiến quân Taliban tại Afghanistan, Hawija là một thị trấn có đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống, với khoảng 70.000 dân. Kể từ khi Quân đội Iraq phát động chiến dịch tái chiếm Hawija hồi đầu tháng 9 vừa qua, Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 12.500 người đã phải chạy lánh nạn khỏi thị trấn này.
Là một trong những người đầu tiên được rời khỏi Hawija, chị Busier Mohammed, mẹ của 5 đứa con đã kể lại quãng thời gian kinh khủng của mình khi phải sống dưới sự kiểm soát của IS và bị sử dụng làm lá chắn sống: “Cuộc sống là rất khó khăn, đôi khi chúng tôi có 1 hoặc thậm chí là 2 tháng không có xà phóng để tắm rửa, giá của một bánh xà phòng vô cùng đắt đỏ. Chúng tôi không có gạo, không có dầu ăn và mỗi người được cấp 5 cân bột mỗi tháng”.
Không một tổ chức quốc tế nào có thể tiếp cận được với Hawija trong 2 năm qua, trong khi phần lớn các tổ chức nhân đạo địa phương đều trong tình cảnh không còn khả năng hoạt động.
Với việc bị đánh bật khỏi Hawija, hiện IS chỉ còn kiểm soát một khu vực duy nhất nằm dọc biên giới phía Tây của Iraq giáp Syria là Thung lũng Euphrates.
Hiện các lực lượng Iraq cũng đang tiến hành tấn công khu vực này. Có thể thấy, sau những thất bại liên tiếp tại Syria, IS cũng đang ngày càng bị thu hẹp tại Iraq.
Theo ông Nicholas Rasmussen, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ, cuộc chiến chống IS đang diễn ra hiệu quả trên chiến trường. Các chiến dịch quân sự tiếp tục giành lại nhiều lãnh thổ từ tay IS và tỉ lệ tay súng nước ngoài đến khu vực xung đột sụt giảm đều đặn tính từ thời cao điểm năm 2014.
Thế nhưng, thất bại ở Trung Đông không phải là dấu chấm hết đối với IS bởi chúng đã và đang tạo ra nỗi lo mới trên toàn cầu. Số tay súng nước ngoài cố rời khỏi Syria và Iraq sẽ tăng lên khi IS tiếp tục mất đi những phần lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng. Giới chức an ninh Mỹ và nhiều quốc gia đã bắt đầu quan ngại trước viễn cảnh đất nước họ có thể tràn ngập chiến binh IS trở về.
Người ta ước tính khoảng 40.000 tay súng nước ngoài từ hơn 100 quốc gia đã đến Syria và Iraq chiến đấu trong hàng ngũ của IS, trong đó đa phần từ châu Âu và các quốc gia Trung Đông.
Tuy nhiên một điều chắc chắn là những thắng lợi trước IS đã và đang tạo nền tảng cho nỗ lực toàn cầu tiêu diệt nhóm khủng bố và những tư tưởng cực đoan của chúng. Điều quan trọng, tiêu diệt IS cũng là một trong những mấu chốt để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, chìa khóa giải quyết thách thức an ninh cho toàn khu vực và thế giới.