|
Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Ảnh VOV.VN
|
Chuyến thăm chính thức Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mang lại cơ hội giải quyết các vấn đề đang cản trở hợp tác kinh tế song phương. Theo đài Đức Deutsche Welle (DW), chuyến đi này có thể góp phần tăng cường nền tảng quan hệ Việt-Mỹ.
Deutsche Welle cho rằng hợp tác kinh tế song phương và các vấn đề an ninh khu vực dự kiến sẽ là những vấn đề hàng đầu trong sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ. Cả Việt Nam lẫn Mỹ đều nằm trong số 12 quốc gia đang thương thảo một hiệp ước tự do thương mại đa phương mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hợp tác kinh tế được cả Hà Nội lẫn Washington nhìn nhận là "nền tảng và động lực" cho quan hệ Mỹ-Việt. Đây chính là điều mà Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tuyên bố sau khi ký thỏa thuận "quan hệ đối tác toàn diện" năm 2013.
Thỏa thuận TPP sẽ là trung tâm của sự hợp tác này. Thỏa thuận TPP bao gồm 12 quốc gia ven Thái Bình Dương bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam và chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và 26% thương mại thế giới. Trung Quốc hiện đang không tham gia các cuộc đàm phán.
Cơ hội và thách thức của Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương nhằm dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia TPP. TPP cũng tập trung vào việc hợp lý hóa quy định và thực hiện các tiêu chuẩn chung cho việc bảo vệ đầu tư nước ngoài và sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thương mại đã phải một loạt vấn đề, trong đó có bất đồng do tiêu chuẩn cao của Mỹ về bảo vệ sở hữu trí tuệ và các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động và môi trường.
Nhà kinh tế Peter Petri của Đại học Brandeis ở Massachusetts ước tính xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng thêm 30%, lên đến hơn 270 tỷ euro, sau khi ký kết thỏa thuận TPP. Đồng thời, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng thêm 2%. Việt Nam hy vọng sẽ hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhà phân tích người Đức Erwin Schweisshelm của tổ chức phi chính phủ Quĩ Friedrich Ebert tại Hà Nội cho biết: "Điều quan trọng đối với Việt Nam là tham gia một hệ thống giao dịch có quy tắc do Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, đề ra”. Ông Schweisshelm nói thêm rằng Việt Nam ngày càng cảnh giác trước sức mạnh kinh tế và tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, vấn đề nhân quyền là một trở ngại lớn đối với việc mở rộng hợp tác an ninh giữa Mỹ và Việt Nam, ngay cả khi hai nước có nhiều điểm tương đồng về lợi ích chiến lược và địa chính trị. Hội tụ lợi ích chiến lược và kinh tế không phải là tiêu chí duy nhất của Mỹ khi hình thành quan hệ đối tác chiến lược.
Chủ quyền quốc gia và chính sách đối ngoại độc lập
Khi quan hệ đối tác toàn diện được ký kết năm 2013, Việt Nam nhấn mạnh rằng chủ quyền quốc gia và hệ thống chính trị khác nhau cần phải được tôn trọng.
Nhà phân tích Schweisshelm nhận định mặc dù có nhiều khác biệt, nhưng Việt Nam vẫn có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Mỹ. Kể từ khi Mỹ thông báo chiến lược “xoay trục” sang Châu Á nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với khu vực, chính quyền Obama đang tìm kiếm thêm đồng minh, đối tác mới – ngoài các đối tác truyền thống như Nhật Bản và Philippines.
Việt Nam luôn đề cao tính độc lập trong việc định hình chính sách đối ngoại. Các tác giả báo cáo CSIS lưu ý người Mỹ nhận thức được rằng Việt Nam muốn bảo vệ chính sách đối ngoại độc lập và không có ý định tham gia vào liên minh quân sự với nước khác.
Nhà phân tích Schwesshelm cho rằng ngay cả trong trường hợp không có bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong lĩnh vực chiến lược, chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vẫn mang lại cơ hội giải quyết các vấn đề đang cản trở hợp tác kinh tế song phương. Chính vì vậy, chuyến đi này có thể góp phần tiếp tục tăng cường nền tảng quan hệ Việt-Mỹ.