Sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ”: Chính sách xoay trục châu Á của Trung Quốc
Trên bề mặt, sáng kiến này đơn giản là một kế hoạch phát triển kinh tế sâu rộng và tập trung cải thiện thương mại, cơ sở hạ tầng và kết nổi trong khu vực. Cụ thể, Con đường Tơ lụa mới (NSR) trên bộ sẽ nối Trung Quốc với châu Âu thông qua khu vực Trung và Tây Á trong khi đó Con đường tơ lụa trên biển (MSR) có mục tiêu kết nối Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, mục đích thực sự của sáng kiến này lại là vấn đề an ninh. Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc dùng kế hoạch này như một nỗ lực để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng châu Á.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trước tấm bản đồ tuyến đường sắt nối Trung Quốc với nước Đức.
|
Trong khi đó, Bắc Kinh hi vọng rằng, sáng kiến đó sẽ giúp cải thiện mối quan hệ vốn đã bị chia rẽ sâu sắc bởi cuộc tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông những năm gần đây. Ngoài ra, cường quốc này cũng mong tăng cường quan hệ thân thiện với các nước Trung và Tây Á. Có hai lý do để Trung Nam Hải làm điều đó. Đầu tiên, Trung Quốc đơn thuần sẽ tiếp cận được nhiều hơn tới các nguồn lực, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt. Thứ hai, nước này đang đau đầu với tình trạng bạo lực gia tăng ở trong cộng đồng người Hồi giáo ở Tân Cương, đặc biệt là những phần tử đòi ly khai người Duy Ngô Nhĩ vốn có liên hệ mật thiết với các quốc gia vùng Trung và Tây Á.
Ở một khía cạnh khác, sáng kiến “Nhất Đới Nhất Lộ” được nhiều chuyên gia nhìn nhận là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc đối với chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Trước hết, Bắc Kinh muốn thông qua sáng kiến 1B1R để tận dụng tối đa các nguồn sức mạnh mà họ nắm trong tay. Với đề xuất này, Trung Quốc chủ trương xây dựng hàng loạt đường cao tốc, đường sắt chạy tốc độ cao, đường ống dẫn dầu, cảng biển. Đây đều là các ngành mà quốc gia này nắm những thế mạnh nhất định. Đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc có lượng thặng dư thương mại giá trị lớn và yêu cầu đặt ra với họ là tìm các cách hiệu quả để sử dụng nguồn thặng dư đó.
Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc đầu tư vào thị trường châu Âu và châu Mỹ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Do vậy, Bắc Kinh quyết định phân bổ nguồn vốn của họ cho ngành xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á-Thái Bình Dương được coi là sự lựa chọn đầy sáng suốt. Thứ hai, tình trạng phát triển nhanh chóng, vượt bậc lại gây ra một vấn đề đối với các doanh nghiệp Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó có vấn nạn môi trường. Do vậy, bằng việc thúc đẩy sáng kiến 1B1R và chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có thêm các cơ hội phát triển.
|
Lực lượng an ninh Trung Quốc tới hiện trường một vụ bạo loạn ở Tân Cương, nơi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cư ngụ.
|
Cuối cùng, bằng việc xuất khẩu công nghệ và đào sâu mối quan hệ kinh tế và thương mại với các khu vực lân cận, Trung Quốc hi vọng tìm các thị trường mới và lớn, qua đó sẽ cải thiện giao thông và tiến trình hội nhập giữa Trung Quốc và các nước châu Á cũng như tăng sự phụ thuộc của các nước vào thị trường và vốn Trung Quốc. Điều đó vô hình sẽ đẩy
Trung Quốc ở vị thế lãnh đạo trong khu vực, cho phép họ có những bước đi thành công hơn nhằm cân bằng với chính sách xoay trục châu Á-Thái Bình Dương của Washington.
Trung Quốc được tiếng thơm nhờ những sáng kiến đó?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tháng 8/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thẳng thắn gọi Trung Quốc là người “ngồi không hưởng lợi” trong suốt 30 năm qua. Ông Obama còn đổ lỗi rằng, Bắc Kinh không mấy khi thực hiện các nghĩa vụ quốc tế. Nhiều chuyên gia phân tích nhận xét, lời cáo buộc đó không hẳn là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, với những sáng kiến mới này, chính quyền Trung Quốc đang dần thể hiện vai trò là người lãnh đạo tích cực hơn. Cộng đồng quốc tế chào đón sự thay đổi đó của Trung Quốc khi nước này sẵn sàng gánh vác các trọng trách toàn cầu lớn lao hơn.
Đổi lại, việc nắm giữ vai trò lãnh đạo cũng là một thách thức đối với Bắc Kinh. Là một đất nước đóng vai trò lãnh đạo, Trung Quóc sẽ cần phải tăng cường các công cụ giúp họ hình thành các ý tưởng về chính sách trên quy mô toàn cầu. Quả thực, sẽ là một rủi ro đối với Bắc Kinh nếu như họ đảm nhận vai trò này mà chưa có sự chuẩn bị kĩ càng.