Kể từ khi lên cầm quyền vào hồi năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn đã khiến các chuyên gia về Trung Quốc một phen bận rộn với loạt thay đổi đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại. Những chính sách đó hoàn toàn khác biệt so với các quyết sách do các bậc tiền nhiệm của ông Cận Bình khởi xướng. Đặc biệt, các thay đổi đó được thể hiện rõ nét trong chính sách đối ngoại của nước này.
Các nhà quan sát Trung Quốc đang ghép các chi tiết của những sáng kiến mới này với những đề xuất mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất gần đây, bao gồm sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ (tức sáng kiến Một vành đai, một con đường - 1B1R) và Ngân hàng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
Tuy các sáng kiến mới vẫn đang được triển khai, nhưng chúng lại đánh dấu
những chuyển biến lớn lao trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh kể từ năm 1989. Câu hỏi lớn đặt ra đó là các chiến lược mang tầm lớn lao đằng sau chuỗi kế hoạch của ông Tập Cận Bình là những gì.
Tác giả Zheng Wang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột thuộc Đại học Seton Hall, gọi những thay đổi đó là chính sách "ngoại giao thay thế" của Trung Quốc. Theo đó, thay vì trực tiếp thách thức các thể chế quốc tế đang tồn tại, Trung Quốc cố gắng lập ra những nền tảng mới mà họ có thể kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể.
Thông qua những sáng kiến mới đó, Bắc Kinh chủ trương lập ra một môi trường quốc tế mới có lợi hơn cho họ đồng thời sẽ giúp ngăn chặn các áp lực chiến lược từ phía Mỹ. Bằng những nỗ lực này, Trung Quốc muốn dần dần thắng thế mà không gây ra bất cứ sự khiêu khích nào.
Chưa kể, trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC hồi tháng 12/2014, Bắc Kinh đã trình bày các đề xuất của họ để hội nhập khu vực, bao gồm Khu vực tự do mậu dịch Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và AIIB. Thực ra, FTAAP cơ bản là một sự thay thế của Bắc Kinh với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tương tự như vậy, AIIB cũng được coi là một phiên bản thay thế của Trung Quốc trong sự kết hợp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Một khi các thể chế mới đi vào hoạt động, Bắc Kinh mong muốn duy trì sức ảnh hưởng và sự kiểm soát bên trong các tổ chức và khuyến khích các nước khác tham gia. Thay vì rút khỏi các thể chế và hệ thống hiện nay, Trung Quốc cùng một lúc tiến hành các sáng kiến của mình từng bước một.
(còn tiếp)