|
Hai ông Hồ Cẩm Đào ( bên trái) và Tập Cận Bình tại Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc.
|
Thế nhưng, giáo sư Zhou Jinghao của Đại học Hobart & William Smith tại New York lại nhận định rằng đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể thay đổi chính sách đối ngoại của Chủ tịch tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Mục tiêu cơ bản của Tập Cận Bình vẫn là duy trì thể chế hiện hành.
Nếu theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn từ cộng đồng quốc tế và sự chống đối trong nội bộ. Việc ông Tập Cận Bình được cử giữ 3 chức vụ chóp bu (Tổng Bí thư ĐCS, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương) là kết quả thương lượng giữa các phe phái khác nhau ở Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của ông phải đại diện cho lợi ích chung của các phe phái. Ngoài ra, nhiều quan chức Trung Quốc có lợi ích ở nước ngoài và không muốn quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khác tồi tệ hơn nữa, đặc biệt là với Nhật Bản và phương Tây.
Trung Quốc khó có thể theo đuổi lập trường cứng rắn hơn mà không cần đến sự hỗ trợ và phối hợp nội bộ. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện do nhiều cơ quan hoạch định. Các cơ quan này lại phối hợp chưa tốt với nhau và thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Ông Tập Cận Bình sẽ mất nhiều thời gian để sắp xếp lại tổ chức và đề ra chính sách đối ngoại mới.
Hiện chưa rõ sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có đủ mạnh để hỗ trợ một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn hay không. Hải quân và Không quân Nhật Bản khá mạnh, trong khi Mỹ tuyên bố rằng phạm vi áp dụng của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 bao gồm cả quần đảo Senkaku.
Ngoài ra, Trung Quốc đang phải đối mặt với vô số những vấn đề trong nước, trong đó có vấn nạn tham nhũng trong quân đội. Sẽ là không khôn ngoan, nếu Trung Quốc vừa theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn trong việc xử lý các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước khác, vừa cố gắng duy trì ổn định xã hội trong nước. Một sự kết hợp giữa bạo loạn trong nước và xung đột với bên ngoài có thể góp phần làm sụp đổ chế độ.
Một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa “dân tộc chủ nghĩa” vốn đang chực chờ bùng phát ở Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát và có thể quay lại chống chính phủ hiện hành.
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của Hồ Cẩm Đào, với một số thay đổi nhỏ. Nhiều bằng chứng cho thấy Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo thực dụng và không đặt chính sách đối ngoại lên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Nhiều khả năng, ông Tập sẽ tập trung vào các vấn đề quốc nội, nâng cao mức sống… và tháo ngòi xung đột tiềm tàng giữa chính phủ và dân chúng.
Mục tiêu hàng đầu của ban lãnh đạo Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình là phát triển kinh tế, dung hòa lợi ích của các phe phái và thực hiện mục tiêu đầy tham vọng “phục hưng Trung Hoa”.
Xem xét tất cả những thách thức nói trên, chính sách đối ngoại của Trung Quốc chắc sẽ không thay đổi nhiều trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: