Ngày 17/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố thành phố Marawi đã được giải phóng khỏi gông cùm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau 5 tháng ròng bị chiếm giữ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng chiến thắng Marawi chưa phải hồi kết của phiến quân Hồi giáo cực đoan ở Philippines. Tin chiến thắng tại Marawi được đưa ra cùng ngày lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tuyên bố IS sụp đổ tại Raqqa (Syria).
|
Binh sĩ Philippines tiến vào giải phóng thành phố Marawi. Ảnh: Al-Masdar News |
IS đã “để mắt” tới Mindanao và coi hòn đảo này là địa điểm tiềm năng của chúng tại châu Á. Vào năm 2014, IS còn phong cho thủ lĩnh phiến quân địa phương Ipsilon Hapilon là emir, tức "tiểu vương" của chúng tại khu vực.
Khi quân đội Philippines tiêu diệt tên Hapilon và đồng bọn Omar Maute trong chiến dịch giải phóng Marawi, những kế hoạch của IS dường như đã đổ vỡ. Vậy nhưng, kênh CNN (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng bạo lực liên quan tới phiến quân Hồi giáo cực đoan vẫn có thể diễn ra tại Philippines với hình thức nguy hiểm và đa dạng hơn.
Hệ thống phức tạp, tự thích nghi
Nhà phân tích chính trị Richard Heydarian tại Manila đánh giá cái chết của Maute và Hapilon đồng nghĩa với việc bộ phận lãnh đạo của của IS tại Philippines sẽ bị quét sạch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, giáo sư Julkipli Wadi tại Viện Nghiên cứu Hồi giáo thuộc Đại học Philippines dự báo rằng chắc chắn sẽ có nhân vật thay thế Hapilon và Maute.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, ông Rommel Banlaoi thậm chí nêu cụ thể danh tính kẻ được cho là có thể kế nhiệm Hapilon. Ông Banlaoi cho biết đó là tên phiến quân địa phương Furuji Indama, được coi là cấp phó của Hapilon.
“Cái chết của các thủ lĩnh không đồng nghĩa với ngày tàn của tổ chức khủng bố. Chúng có hệ thống phức tạp và biết thích nghi”, ông Banlaoi cho hay.
Lan rộng
Chính phủ Philippines tuyên bố tiêu diệt được ít nhất 800 tên khủng bố tại Marawi trong 5 tháng giao tranh với IS, nhưng nhiều khả năng các tên phiến quân đã trốn thoát được trong khoảng thời gian đó.
Phó chủ tịch công ty Phân tích Tình báo Địa chính trị Mỹ, ông Scott Stewart đánh giá: “Một trong những vấn đề với quần đảo này là phiến quân có nguồn gốc từ Abu Sayyaf, chúng là những kẻ đi biển điêu luyện, có thể di chuyển qua các địa điểm. Do vậy, rất khó để khống chế chúng. Chúng có thể trốn trong những hòn đảo khác có rừng rậm rạp hoặc thậm chí là tại Mindanao”.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana khẳng định nhiều đơn vị của chính phủ nước này đã được cử đến các thành phố quanh Mindanao để trao đổi với lãnh đạo địa phương và đảm bảo rằng họ vẫn cảnh giác.
Viễn cảnh tái cực đoan
Các nhà phân tích khẳng định phương pháp tái thiết của các nhà cầm quyền là chìa khóa quyết định cho cái nhìn của thế hệ Hồi giáo tiếp theo tại Mindanao đối với chính phủ Philippines.
Ông Richard Heydarian phân tích: “Marawi đã trở nên đổ nát, gây nhiều liên tưởng tới điều đã xảy ra tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Và bạn đang nói đến 600.000 người đã mất nhà cửa. Việc tái thiết không được xử lý phù hợp có thể khiến người dân thất vọng, phiến quân có thể tuyển dụng thêm nhân lực”.
Chuyển sang tấn công khủng bố
Tuy việc giành lại Marawi mất nhiều thời gian hơn so với dự định nhưng chính phủ của ông Duterte đã có thể thở phào nhẹ nhõm trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới nước này trong tháng 11 tới.
An ninh sẽ được thắt chặt trong lo ngại một số tàn quân IS sẽ chuyển sang hình thức tấn công khác.
“Philippines đã có chuẩn bị cho giai đoạn mới đó là xuất hiện thêm nhiều âm mưu tấn công khủng bố. Chúng sẽ nỗ lực hết mình để chứng tỏ chúng vẫn tồn tại. Bạn có thể hình dung ra cách mà chúng đang hướng tới để gửi thông điệp đó”, ông Heydarian nhận xét.
Giáo sư Julkipli Wadi đánh giá có khả năng tấn công khủng bố sẽ diễn ra ở các địa điểm khác ngoài Marawi.