Theo tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP), vào tháng Tư hàng năm, Jiang Xingquan lại dành một phần đất trong trang trại của ông ở miền bắc Trung Quốc để trồng cây gai dầu. Diện tích đất trồng gai dầu thay đổi theo nhu cầu của thị trường nhưng trong vài năm gần đây, con số này rơi vào khoảng 600 hecta.
Giống như những người nông dân khác trồng gai dầu ở Hexin, tỉnh Hắc Long Giang, Jiang trồng loài cây gây nghiện này một cách hợp pháp.
Được biết, cây gai dầu có nhiều công dụng. Người trồng thường bán thân cây cho các nhà máy dệt để sản xuất ra loại vải chất lượng cao, lá cây được bán cho công ty dược phẩm làm thuốc và hạt gai dầu có thể được sử dụng để chế biến đồ ăn nhẹ, dầu ăn hoặc đồ uống.
Đối với người nông dân, cây gai dầu giống như “mỏ vàng xanh”, mang lại cho họ thu nhập hơn 10 nghìn tệ (1.500 USD) mỗi hecta. Trong khi đó, loài cây này không cần phun thuốc trừ sâu đắt tiền. “Đó là lợi nhuận thuần túy”, Jiang chia sẻ.
|
Các đồn điền trồng gai dầu ngày càng nhiều ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trang trại của Jiang là một trong những khu vực chính trồng hợp pháp loài cây gai dầu ở Trung Quốc. Vùng đất rộng lớn khác cũng trồng gai dầu là ở tỉnh Vân Nam.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hai khu vực này chiếm khoảng một nửa diện tích đất thương mại trồng gai dầu hợp pháp trên thế giới. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và truyền thống lâu đời, Trung Quốc đã lặng lẽ trở thành một trong những cường quốc trong việc sản xuất và nghiên cứu cây gai dầu.
Không có số liệu chính thức về số lượng cây gai dầu mà Trung Quốc trồng mỗi năm nhưng các đồn điền trồng loài cây này ngày càng nhiều.
Qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã phát triển những giống gai dầu lai khác nhau, không chỉ có thể sống sót mà còn phát triển tốt trong môi trường đa dạng ở Trung Quốc.
Được biết, so với cần sa, cây gai dầu chỉ chứa lượng nhỏ THC (chất có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của con người). Ngoài ra, cả cây gai dầu và cần sa đều chứa CBD – hợp chất được sử dụng đề điều trị một số chứng bệnh như Parkinson hoặc động kinh.
SCMP cho biết thêm, gai dầu đã được trồng ở Trung Quốc hàng trăm năm qua và được sử dụng để sản xuất vải hoặc giấy,...Các bộ phận khác của cây như hạt và lá đã được sử dụng trong ngành y học cổ truyền Trung Quốc.
|
Cảnh người dân thu hoạch cây gai dầu. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, chính phủ nước này đã liệt kê gai dầu vào danh sách ma túy bất hợp pháp và đưa ra những hình phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng sản xuất, buôn bán và tiêu thụ nó.
Mặc dù vậy, chính quyền thường “làm ngơ” cho những người nông dân trồng loài cây gai dầu chứa hàm lượng THC thấp bởi đó là nguồn thu nhập chính của họ.
Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Trung Quốc đã có nhiều bằng sáng chế liên quan đến cây gai dầu. Điều này đã thúc đẩy mối quan tâm trong ngành công nghiệp dược phẩm phương Tây.
“Gai dầu trong y học phương Tây đang dần được chấp nhận, do vậy, việc Trung Quốc sở hữu nhiều bằng sáng chế cho thấy khoa học dược đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc và vượt trội hơn khả năng của phương Tây”, Tiến sĩ Luc Duchesne nhận định.
Yang Ming, đến từ Học viện Khoa học Nông nghiệp Vân Nam, cho biết nhiều nông dân trong tỉnh này đã chuyển từ trồng lanh sang cây gai dầu vì nó mang lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, người dân cần phải có giấy phép đặc biệt mới được trồng gai dầu. Cho đến nay, họ mới chỉ được phép trồng ở tỉnh Hắc Long Giang và Vân Nam.
“Tại các tỉnh khác, người dân có thể trồng những giống cây gai dầu có hàm lượng THC khoảng 0,3%, vượt quá mức đó được cho là không an toàn”, Yang nói thêm.
Tuy nhiên, giáo sư Yun Chunming, đến từ Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam, cho rằng vấn đề pháp lý vẫn là một thách thức lớn đối với sự phát triển của cây gai dầu ở Trung Quốc.
Tan Xin, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Gai dầu có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết công ty này đã hợp tác với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sản xuất ra một loại thuốc điều trị rối loạn stress sau sang chấn. Theo trang web của công ty, loại thuốc này gần hoàn thành quá trình thử nghiệm lâm sàng và là một trong nhiều sản phẩm được sản xuất từ gai dầu có tiềm năng trên thị trường toàn cầu.
“Chúng tôi hy vọng lĩnh vực này sẽ phát triển và trở thành ngành công nghiệp mang về 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,2 tỷ USD) cho Trung Quốc trong 5 năm tới”, Tan cho hay.