Mạng tin "National Interest" vừa đăng bài viết của tác giả Daniel L. Davis, Đại tá về hưu của quân đội Mỹ từng tham chiến tại Afghanistan, đánh giá về những gì mà nước Mỹ phải trải qua sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Theo tác giả, khó mà tưởng tượng được rằng trước ngày 11/9/2001, các gia đình và bạn bè có thể đón nhau ngay tại cửa sân bay mà không gặp điều gì phiền nhiễu. Khán giả có thể đến theo dõi một trận bóng mà không cần bước qua cổng từ. Quân đội Mỹ chỉ tập trung bảo vệ đất nước mà không cần phải chiếm đóng hay chiến đấu ở một nơi xa xôi nào đó. Tuy vậy, mọi thứ đã đảo lộn sau ngày đó. Không phải thế giới ngày 12/9/2001 kém an toàn hơn thế giới ngày 10/9/2001 mà chính cách Mỹ phản ứng đã khiến thế giới trở nên tồi tệ hơn.
|
Hai chiếc máy bay bị tấn công đâm thẳng vào tòa Tháp đôi WTC tại Mỹ gây chấn động toàn thế giới. |
Gần như có sự ủng hộ rộng rãi phản ứng của Chính phủ Mỹ đối với các cuộc tấn công ngày 11/9 khi quân đội Mỹ phối hợp với các lực lượng địa phương tại Afghanistan và đánh bật Taliban. Đáng tiếc là việc sử dụng sức mạnh quân sự tiếp tục nhận được sự ủng hộ cho đến sau cuộc tấn công Iraq năm 2003. Kể từ thời điểm đó, quân đội Mỹ đã triển khai tại hàng chục quốc gia trên toàn cầu và sự triển khai không ngừng nghỉ này đã làm suy yếu khả năng của Mỹ trong việc đối phó với các mối đe dọa. Gần 70.000 quân nhân Mỹ đã bỏ mạng và 50.000 binh sĩ bị thương trong các chiến dịch không có hồi kết. Ngoài ra còn có 327.000 binh sĩ bị chấn động về tâm lý và hơn 300.000 người bị stress do các cuộc chiến này.
Mối đe dọa khủng bố đối với nước Mỹ trước ngày 11/9/2001 là không đáng kể và hạn chế ở một số ít các tổ chức khủng bố. 15 năm sau, mối đe dọa này đã cao hơn đáng kể, trong khi số lượng và tiềm lực của các tổ chức khủng bố nhằm vào lợi ích của Mỹ cũng tăng mạnh.
Phong trào "Mùa Xuân Arab" một thời được ca ngợi, một phần bị kích động bởi cuộc chiến tranh của Mỹ nhằm loại bỏ các nhà lãnh đạo độc tài ở Trung Đông, đã biến thành một cái gì đó giống như một cuộc tàn sát trong thế giới Arab. Hàng trăm nghìn người đã bị giết, các cuộc nội chiến vẫn diễn ra ác liệt ở Libya, Syria, Iraq và Yemen, trong khi người dân vẫn không được hưởng các quyền tự do dân chủ hơn so với dưới thời các chế độ độc tài mà họ lật đổ.
Ở trong nước, các quyền tự do dân sự đã bị ngăn cản, các biện pháp an ninh hạn chế sự tự do và chính phủ liên bang thông qua Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bị phát giác đã do thám hàng triệu công dân Mỹ. Đặc điểm của đất nước đã thay đổi như là hậu quả của vụ 11/9, trong đó có việc giám sát nội bộ mà không cần giấy phép, các chính sách giam giữ và thẩm vấn khắc nghiệt... và những nỗ lực nhằm hạn chế việc xem xét lại về mặt pháp lý các vấn đề như vậy.
Đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy việc sử dụng sức mạnh quân sự một cách quá đà để đối phó với khủng bố đã làm trầm trọng hơn những ảnh hưởng của sự kiện 11/9 đối với an ninh nước Mỹ và là nguyên nhân kéo dài hàng loạt cuộc xung đột, nội chiến trên khắp thế giới. Ví dụ, Washington tuyên bố với việc hỗ trợ các nhóm nổi dậy tại Syria, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ bị tiêu diệt, và các nhóm Hồi giáo ôn hoà sẽ có thể đạt được một thoả thuận cuối cùng để chấm dứt cuộc nội chiến. Tuy nhiên trên thực tế, các nhóm nổi dậy lại cố gắng tiêu diệt lẫn nhau trên chiến trường, ép đối phương phải đầu hàng để đạt được lợi ích tối đa. Nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, những nhóm này có thể sẽ cho rằng họ không đủ nguồn lực để đánh bại kẻ địch và sẽ nghiêm túc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến.
Không những thế, với việc phải phân bổ nguồn lực hỗ trợ các lực lượng dân quân địa phương, quân đội Mỹ đã buộc phải lơ là việc hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), làm suy giảm khả năng chiến đấu của chính mình. An ninh quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa. Nếu chiến tranh với Nga, Trung Quốc hay thậm chí Triều Tiên xảy ra, không ai dám chắc Mỹ sẽ chiến thắng.
Washington cần phải nhận ra thực tế này và từ bỏ chính sách ngoại giao sai lầm ủng hộ can thiệp quân sự thường xuyên, xây dựng một chính sách mới nhằm tìm cơ hội giải quyết các vấn đề quốc tế mà vẫn duy trì được sức mạnh quân đội Mỹ. Nếu không, Mỹ sẽ sớm bị kẹt trong một trận chiến lớn không đảm bảo chiến thắng.
>>> Xem thêm video Mỹ không kích phiến quân IS tại Iraq (Nguồn video Reuters):