|
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6/2013.
|
Kiên quyết phản đối mọi mưu đồ " thay đổi hiện trạng" ở Biển Đông và Biển Hoa Đông
Trong một bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuyên bố Mỹ “kiên quyết chống lại mọi nỗ lực mang tính ép buộc nhằm thay đổi hiện trạng” của các quần đảo đang tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bộ trưởng Hagel nhấn mạnh Mỹ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế mọi hành động không phù hợp với Tuyên bố chung của các bên về Biển Đông (DOC) mà họ đã cam kết công khai năm 2002, đồng thời tìm kiếm tất cả các biện pháp giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mỹ cũng phản đối mọi hành động làm cản trở đến việc hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý.
Phát biểu này rõ ràng là ám chỉ tới các hành động hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và các đảo, bãi ngầm trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cam kết bảo vệ Philippines, nước đang vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông.
Sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin bên lề hội nghị Đối thoại Shangri-La ở Singapore, phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little nói với các phóng viên: “Bộ trưởng Hagel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Philippines trong vai trò một đồng minh và tái khẳng định cam kết của Mỹ với Hiệp ước Phòng thủ chung”. Hai vị lãnh đạo quốc phòng “cũng đã thảo luận việc thúc đẩy hợp tác phòng thủ song phương, bao gồm nỗ lực hướng tới việc tăng cường sự hiện diện luân chuyển các lực lượng Mỹ tại Philippines nhằm đối phó với những thách thức chung”.
Thúc đẩy chiến lược “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố Mỹ hoàn toàn đủ khả năng tiếp tục “xoay trục” chiến lược sang Châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp ngân sách eo hẹp.
Ông Hagel nhấn mạnh Mỹ hiện vẫn chiếm tới 40% chi tiêu quốc phòng toàn cầu ngay cả khi ngân sách bị cắt giảm; không quân Mỹ đã triển khai 60% lực lượng ở nước ngoài đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 2.500 lính thuỷ đánh bộ Mỹ được triển khai đến Australia.
Bộ trưởng Hagel tái khẳng định đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% lực lượng hải quân tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong tương lai, Lầu Năm Góc sẽ ưu tiên triển khai các hệ thống vũ khí tân tiến nhất tới Thái Bình Dương - bao gồm máy bay tiêm kích F-22 Raptor, máy bay tiêm kích tàng hình F-35 và tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia.
Tố cáo Trung Quốc liên quan đến gián điệp mạng
Trong bài phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Sharing-La ở Singapore với sự tham dự của các quan chức quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cáo buộc Bắc Kinh dính líu đến hoạt động gián điệp mạng. Ông thẳng thừng cáo buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc nhiều lần thâm nhập vào các hệ thống thông tin nhạy cảm của Mỹ.
Ông Hagel nêu rõ: "Mỹ đã bày tỏ quan ngại về mối đe dọa ngày càng tăng của các vụ xâm nhập qua mạng, mà một vài vụ trong số đó xem ra có quan hệ với chỉnh phủ và quân đội Trung Quốc."
Theo ông, là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc có rất nhiều lĩnh vực quan ngại chung và "sự thành lập một nhóm chuyên viên mạng là bước đi tích cực để tăng cường đối thoại Mỹ-Trung… nhằm thiết lập các quy tắc quốc tế về ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng".
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: