Chiến thắng của ông Trump cho thấy các phương tiện truyền thông và giới lãnh đạo ở Washington xa rời quần chúng và thực tiễn ở Mỹ đến thế nào.
|
Người lao động gốc Phi vốn ủng hộ đảng Dân chủ lại quay sang cổ vũ cho tỷ phú Donald Trump. Ảnh Reuters |
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11, “đa số thầm lặng” ở Mỹ đã lên tiếng và bầu chọn “người ngoại đạo” không hề có kinh nghiệm làm chính trị Donald Trump giữ chức tổng thống.
Có nhiều lý do để ông Trump giành chiến thắng áp đảo trước bà Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.
Tấn công các giá trị Mỹ
Không một ai trong chiến dịch này hiểu rõ hơn Donald Trump về tâm trạng bất bình trong xã hội Mỹ đối với thể chế chính trị ở thủ đô Washington. Lực lượng bảo thủ Mỹ đã liên tục tấn công giới tinh hoa chính trị và phương tiện truyền thông về “lối sống và giá trị Mỹ”. Làm việc cật lực, những người lao động Mỹ không chấp nhận tầng lớp thượng lưu “ăn trên ngồi chốc” mắc bệnh chủ nghĩa tự do làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Điều này đặc biệt đúng ở các bang trung tâm nước Mỹ, nơi mọi người rất coi trọng tự do cá nhân. Những người ở đó có một phản ứng gần như dị ứng khi giới tinh hoa ra tìm cách ra lệnh cho họ phải sống và suy nghĩ như thế nào hoặc những gì họ được phép hay không được phép nói ra. Thái độ bất mãn này đã âm ỉ từ lâu và có dịp bùng phát mạnh mẽ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.
Cuộc nổi loạn trong xã hội Mỹ mới chỉ bắt đầu
Chính Donald Trump đã khơi dậy vết thương của họ, khi ông ta thẳng thừng nói về những điều mà hàng triệu người Mỹ từ lâu đã ấp ủ trong lòng.
Tất nhiên, “đa số thầm lặng” này cũng lo ngại về tình trạng thiếu thốn, cơ sở hạ tầng đổ nát, khủng bố, chi phí khổng lồ của Obamacare… và nhiều vấn đề khác. Nhưng hơn bất cứ điều gì khác, cái điều gì thúc đẩy những người này trong ngày bầu cử tổng thống chính là sự xói mòn của nền văn hóa và sự phản bội của những lý tưởng nguyên mẫu Mỹ. Đó là chưa kể nhân cách của bà Hillary Clinton, người đã bị biến thành "cột thu lôi hứng sét" một cách đáng thương cho tất cả những điều mà “đa số thầm lặng” này ghét cay ghét đắng ở tầng lớp thượng lưu Mỹ: tham nhũng, thèm khát quyền lực, không trung thực và chỉ vì lợi ích cá nhân.
Năm 1865, sau khi kết thúc cuộc nội chiến Mỹ, người miền bắc đến miền nam để chiếm giữ các vị trí trọng yếu và rao giảng trước “những kẻ chiến bại” về những gì mà phải làm gì và làm thế nào để sống trong tương lai. Đối với “đa số thầm lặng “ ở Mỹ, ứng viên tổng thống Hillary Clinton và đảng Dân chủ chính là những kẻ rao giảng đáng ghét thời nay.
Donald Trump chính là người đã nắm bắt được xu thế này và lãnh đạo một phong trào lớn nhất nước Mỹ trong lịch sử gần đây - lớn hơn cả phong trào chống chiến tranh Việt Nam cách đay gần 50 năm về qui mô và hậu quả sâu rộng.
Có thể nói, cuộc nổi loạn trong xã hội Mỹ mới chỉ bắt đầu.