Lễ giới thiệu cuốn sách này tại Côn Minh trùng hợp với lễ khai trương Triển lãm Nam Á đầu tiên. Tham gia triển lãm có đại diện gần như tất cả các quốc gia Nam Á, trừ Ấn Độ. Mặc dù trong lời tuyên bố của các quan chức Trung Quốc và trong cuốn "Sách Xanh" chỉ nói về ý định hòa bình của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, nhưng hầu hết các nhà quan sát tại Ấn Độ đều coi động thái công bố "Sách Xanh" trong bối cảnh mở rộng hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các nước láng giềng với Ấn Độ là tín hiệu thiếu thân thiện.
"Sách Xanh" giải thích chiến lược của Trung Quốc tăng cường và mở rộng sự hợp tác với các nước trên bờ Ấn Độ Dương và nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy chứ không phải mục tiêu quân sự. Đồng thời, Trung Quốc thừa nhận rằng, Ấn Độ Dương có thể trở thành khu vực "xung đột và thảm họa" nếu các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ không hợp tác xây dựng hơn về các vấn đề mà họ có lợi ích riêng. Các tác giả của “Sách Xanh” lấy làm tiếc rằng, trong khi Ấn Độ có chính sách "Hướng Đông" thì Trung Quốc chưa có chính sách tương tự ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Boris Volkhonsky của Viện nghiên cứu chiến lược Nga, các tác giả “Sách xanh” rõ ràng không nói ra toàn bộ sự thật, đặc biệt khi gọi chiến lược "chuỗi ngọc trai" là ảo tưởng. Ông Volhonsky nói: “Trung Quốc không thích khi người ta đặt tên này cho chiến lược của họ ở Ấn Độ Dương. Thuật ngữ ‘chuỗi ngọc trai’ đã đến từ văn học tiếng Anh. Trên thực tế Trung Quốc đang thành lập một chuỗi căn cứ - cảng, trạm tiếp nhiên liệu, trạm radar… - trên toàn bộ vùng biển phía Bắc của Ấn Độ Dương: từ bờ biển Đông Phi đến Đông Nam Á”.
Hơn 80% nguyên liệu dầu khí Trung Quốc nhận được từ Châu Phi và Trung Đông đi qua Ấn Độ dương. Và trước khi vào khu vực gần bờ biển Trung Quốc, các tàu chở dầu phải đi qua eo biển hẹp Malacca.
Nhà phân tích Volkhonsky nói tiếp: “Mỹ đang kiểm soát eo biển Malacca với lực lượng tương đối nhỏ, nhưng Washington có đủ sức ngăn chặn hoàn toàn con đường cung cấp nhiên liệu cho Trung Quốc và do đó làm nước này bị kiệt máu. Vì thế, Trung Quốc phải tìm những con đường khác để vận chuyển nhiên liệu theo đường bộ thông qua Pakistan, Bangladesh, Myanmar, phải thành lập các cơ sở mạnh dọc theo tuyến đường hàng hải hiện có”.
|
Hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
|
Hiện nay, nền kinh tế thế giới gắn liền chặt chẽ với chính trị, và mỗi cơ sở mà Trung Quốc đang thành lập trong khuôn khổ chiến lược "chuỗi ngọc trai" có thể có mục đích kép. Dễ hiểu tại sao Ấn Độ có thái độ thận trọng với kế hoạch của Trung Quốc.
Phản ứng việc công bố "Sách Xanh", tờ "The New Indian Express" đã đăng bài dưới đầu đề "Đã đến lúc điều chỉnh chính sách của Ấn Độ đối với Trung Quốc". Bài báo nói thẳng về những "kế hoạch độc ác", về “ý định đáng ngại” của Trung Quốc và ý đồ "che giấu sự vô đạo đức của họ".
Báo chí Nhật Bản chia sẻ quan điểm này của Ấn Độ. Tờ Japan Times đăng tải bài báo dưới tiêu đề mạnh hơn nữa “Trung Quốc lớn làm rung chuyển toàn bộ khu vực”.
Vì thế không thể chờ đợi rằng, những lời tuyên bố trấn an từ Côn Minh sẽ làm yên lòng hai đối thủ chính của Trung Quốc ở châu Á là Ấn Độ và Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: