Dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82 ha, tọa lạc tại phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM do Công ty cổ phần Địa ốc 10 (Công ty RES 10) làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là công ty thành viên của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV.
|
Được quy hoạch là dự án kiểu mẫu, nhưng 15 năm qua, khu dân cư Bắc Rạch Chiếc vẫn dở dang, thậm chí, khu dân cư này còn trở thành nơi chăn nuôi gia súc, trâu bò được chăn thả khắp nơi. Ảnh: Zing. |
Bên trong dự án Bắc Rạch Chiếc gần 20 năm đầu tư không xong ở Sài Gòn. Nguồn: Youtube BÁO 24H.
Theo giới thiệu trên website http://www.res10.vn, Công ty cổ phần Địa ốc 10 tiền thân là Công ty Xây dựng và Dịch vụ nhà đất Quận 10 trực thuộc UBND Quận 10 thành lập năm 1988, hoạt động với mô hình nhỏ, ít vốn và đội ngũ nhân viên chưa trải nghiệm với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng.
Năm 2004, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Quận 10 đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần theo Quyết định số 5938/QĐ-UB ngày 29/11/2004 của UBND TP.HCM, về việc chuyển doanh nghiệp Nhà nước Công ty Xây dựng và Dịch vụ Nhà đất Quận 10 thành Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Nhà Quận 10. Vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 10 tỷ đồng.
Ngày 15/6/2005 đổi tên thành Công ty Cổ Phần Địa ốc 10 theo Quyết định số 04/QĐ-ĐHCĐ ngày 15/6/2005 của Đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Nhà Quận 10 về việc thống nhất đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần Địa ốc 10.
Theo Infonet, dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 282/QĐ-TTg ngày 15/3/2001 giao đất cho Công ty RES 10 (trước đây là Công ty xây dựng và dịch vụ nhà đất Quận 10) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Sau khi hoàn chỉnh hạ tầng, Công ty RES 10 phải bàn giao đất để TP.HCM tiếp tục giao đất cho các nhà đầu tư.
Thế nhưng, trước khi được Thủ tướng Chính phủ giao đất, các cá nhân tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV đã có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước khi ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty cổ phần Saca và Chi nhánh Vận tải phía Nam – Công ty Vận tải Ô tô 6 thuộc Cục Đường bộ, có nội dung giao đất cho đơn vị thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, các cá nhân tại Công ty RES 10 cũng có hành vi ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng hải và Công ty TNHH Thương mại Him Lam để hai công ty này tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp trước khi dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty RES 10.
Thanh tra xác định, việc ký hợp đồng kinh tế với các đơn vị đăng ký tham gia thực hiện dự án có nội dung cho phép “được quyền tổ chức kinh doanh”, dẫn đến các đơn vị này cho rằng được quyền phân lô và thực hiện huy động vốn từ các cá nhân, thực chất là bán nền đất.
Kết quả thanh tra còn cho hay, Công ty RES 10 đã không công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đóng góp của các đơn vị tham gia thực hiện hạ tầng kỹ thuật trục chính của dự án. Dẫn đến việc đã hơn 10 năm triển khai nhưng hạ tầng kỹ thuật trục chính ở dự án vẫn chưa hoàn thành.
Ngoài ra, theo Zing, vào khoảng năm 2009, trong dự án này có một phần đất rộng khoảng 17.162,3 m2, trong đó 1.243 m2 chưa bồi thường xong nhưng Res 10 vẫn liên doanh với Công ty TNHH phát triển DaeDong (Hàn Quốc) và được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thời kỳ này cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quá trình thanh tra còn phát hiện Res 10 đã nhận 3 triệu USD từ Công ty TNHH phát triển DaeDong nhưng sau đó vẫn không triển khai thực hiện dự án.
Từ các dấu hiệu sai phạm trên, UBND TP.HCM đề nghị Thanh tra TP.HCM chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan cho Công an TP.HCM để điều tra làm rõ làm rõ trách nhiệm của Res 10; các vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai và dự án đầu tư; các thủ tục ký kết giữa các pháp nhân không đảm bảo về mặt pháp lý...
Đặc biệt làm rõ cơ sở pháp lý nào lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thời kỳ này lại xét cấp 216 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các lô đất của Res 10.