Có lẽ đến nay, ít người còn nhớ đến một ngôi nhà có diện tích sàn lên đến 800m2 với 4 mặt tiền ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Biệt thự 4 mặt tiền của đại gia ô tô này hiện nay đã bị chia nhỏ thành nhiều căn hộ nhưng vết tích về một thời xa xưa vẫn còn hiện diện...
80 năm vẫn còn tốt
Những ngày sau Tết Nguyên Đán, chúng tôi có dịp đi trên đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM). Ngang qua một cây xăng nhỏ bất chợt nhìn lên phía sau, trên chính diện tòa nhà ở mỗi tầng lầu vẫn còn một logo mang dòng chữ NG.V.HAO.
Quan sát kỹ, tòa nhà thật lớn, thật rộng được bao bọc bởi 4 con đường. Mặt trước là đường Trần Hưng Đạo. Mặt hậu là đường Lê Thị Hồng Gấm. Hai bên hông, đường Ký Con và Yersin (P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM).
Ngôi nhà đã cũ. Tường đầy rêu. Ở tầng trệt chia nhỏ nhiều hộ kinh doanh. Trên 2 tầng lầu dùng để ở.
Chúng tôi cố gắng tìm hiểu gốc tích của ngôi nhà thì được biết, ngôi nhà được xây dựng vào năm 1933 và hoàn thành năm 1937. Chủ nhân ngôi nhà là ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia chuyên về ngành xe hơi vào những năm đầu thế kỷ 20.
|
Logo NG.V.HAO trên tường căn nhà 4 mặt tiền. |
Như vậy, kể từ ngày hoàn thành đến nay, biệt thự của đại gia ô tô đã trụ vững được 80 năm. Vậy mà, nhà thì có cũ, kiểu cách cổ xưa, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào để gọi là xuống cấp. Nhìn lên từng mảng tường, vẫn bền vững không một vết nứt.
Bà con hiện cư ngụ tại đây cho biết, biệt thự 4 mặt tiền được xây dựng theo kiến trúc Pháp. Vì thời ấy chưa có xi măng nên vật liệu để xây dựng là một hợp chất gồm nhựa cây trộn với vôi, cát, nước đường. Tuy đơn giản như thế nhưng chắc chắn còn hơn cả xi măng. Toàn bộ vật liệu được mua từ Pháp đưa sang như gạch bông và các vật dụng trang bị trong nhà. Tuy chỉ có 2 tầng lầu nhưng trong tòa nhà vẫn có thang máy.
Tầng trên cùng của tòa nhà có một hồ bơi nhỏ. Ở tầng trệt, phía trước nhà, ông Hảo mở một cây xăng. Còn lại bên trong bán phụ tùng xe hơi. Phía sau là garage xe hơi. Dãy lầu trên garage có thêm 6 căn được cho thuê. Còn phía trên của dãy trước để toàn bộ đại gia đình ông ở.
Vào thời điểm ấy, xây dựng được một tòa nhà như thế không phải là người tầm thường. Ít ai biết được, chủ nhân tòa nhà cũng chỉ là một người lam lũ lao động, nhưng nhờ có chí tiến thủ, ông đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi mà đến nay có người mơ cũng chẳng được.
|
Phía trước, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo là cây xăng. Trên tầng 2 và tầng 3 của tòa nhà vẫn còn logo NG.V.HAO (trong vòng tròn). |
Hiện nay, tòa nhà vẫn còn nguyên vẹn. Logo NG.V.HAO tuy đã lu mờ nhưng cũng đánh dấu được một thời hoàng kim. Những người chủ mới, có thể không biết ông là ai nhưng không ai có thể phủ nhận, ngôi nhà này cũng đã giúp họ tạo nên cơ nghiệp.
Từ nhà nông thành nhà buôn
Xuất thân là con nhà nông, ông Nguyễn Văn Hảo chào đời tại Càng Long (Trà Vinh) vào năm 1890. Cha mẹ ông làm nông, có nhiều con. Khi ông lớn lên được người anh là chủ một cửa tiệm buôn bán phụ tùng xe hơi ở đường Nguyễn An Ninh, xin phép cha đưa ông lên Sài Gòn phụ kinh doanh.
Vốn rất thông minh, lanh lợi nên chẳng bao lâu ông học được nhiều điều từ người anh. Mặc dù không qua trường lớp cơ khí nào nhưng nhờ vào tìm tòi tự học, chẳng bao lâu ông trở thành thợ chính tại tiệm. Được một thời gian, ông đưa vợ lên cùng làm và sinh người con trai đầu. Ông Hảo xin phép anh ra lập nghiệp riêng.
Ông thuê căn nhà số 21 - 23 đường Trần Hưng Đạo để mở tiệm buôn bán phụ tùng. Căn nhà này là của gia đình chú Hỏa, người giàu có nhất nhì Sài Gòn. Ngoài buôn bán phụ tùng, ông Hảo còn mở thêm một cây xăng bơm tay để bán xăng và dầu nhớt.
Khởi nghiệp của ông Hảo là như thế. Thuở ấy, công nghiệp sản xuất xe hơi và phụ tùng ở Việt Nam chưa phát triển. Người Việt sử dụng xe hơi cũng không nhiều. Nhưng ông Hảo vẫn thắng, vẫn làm giàu được ở lĩnh vực này nhờ vào sự thông minh và óc sáng tạo của mình.
Có vốn liếng tiếng Pháp khá dồi dào, ông giao dịch với họ để mua phụ tùng về bán lại cho người Việt. Nguyên tắc kinh doanh của ông là làm sao vừa có lãi, vừa có thể giúp người dân được việc. Cửa hàng ông phục vụ không kể giờ giấc. Một tài xế hư xe nửa đêm có thể gọi cửa tiệm ông để mua phụ tùng. Ông vui vẻ phục vụ và không hề lợi dụng để lấy giá cao.
Được vài năm như thế, công việc kinh doanh của ông ngày càng phát đạt. Đến năm 1933, ông mua miếng đất với 4 mặt tiền - như đã nói ở phần trên - gây dựng cơ ngơi.
Từ đó, ông Hảo tiếp tục phát triển sự nghiệp bằng phương pháp làm ăn chân chính. Bài học thành công của ông sau này được nhiều người bắt chước áp dụng cũng đã thành công vượt bậc...