Đúng 7 giờ sáng 23/5, Đoàn công tác của Thành ủy TP HCM do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng dẫn đầu cùng các lãnh đạo sở, ban, ngành TP đã có chuyến thị sát nhà ổ chuột ven kênh rạch.
|
Đoàn công tác do Bí thư Thành TP HCM ủy Đinh La Thăng dẫn đầu đi thị sát trên kênh Đôi - Tẻ. |
Sau khi dùng ca nô chạy dọc con kênh Đôi - Tẻ từ quận 6 qua quận 8 nắm tình hình, Bí thư Đinh La Thăng đã vào nhà dân dọc con kênh Tẻ trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8) để hỏi thăm về tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Liên quan đến việc giải quyết dứt điểm nhà "ổ chuột" trên kênh Đôi - Tẻ, như Báo Người Lao Động đã thông tin, hiện chính quyền TP đang có kế hoạch giải tỏa gần 6.000 căn nhà lụp xụp ven kênh rạch Đôi - Tẻ, để đưa con kênh này trở nên xanh, sạch, đẹp thông dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP - đơn vị chủ đầu tư, cho biết dự án có diện tích 1.600 ha, nằm phía Nam và cũng là đoạn cuối trong lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ, qua địa bàn các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh. Các hạng mục chính của dự án gồm di dời và tái định cư cho 5.800 hộ dân và 29 cơ quan, xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực Nam Sài Gòn gồm 10 km tuyến cống nhánh và 33 km tuyến cống nhánh, xây nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 100.000-170.000 m3/ngày… Tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 13.560 tỉ đồng, trong đó 4.860 tỉ đồng từ vốn ngân sách phục vụ công tác bồi thường, tái định cư, số còn lại đề nghị JICA xem xét hỗ trợ để phục vụ cho công tác xây lắp.
Liên quan đến việc di dời 5.800 căn nhà trên kênh Đôi - Tẻ, ông Lương Minh Phúc cho rằng rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, người dân bị di dời không muốn tái định cư quá xa, muốn ở gần nơi ở cũ để đời sống, sinh hoạt, học tập ít bị biến động. Theo đó, các đơn vị liên quan đã có kế hoạch làm bằng được việc này. Bởi mục tiêu lớn nhất vẫn là lợi ích của người dân, người dân thấy hài lòng, có cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Riêng ông Mori Mutsaya, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, nhận định Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 3 là một dự án hoàn toàn khả thi và phù hợp để JICA hỗ trợ nguồn vốn. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để JICA quyết định là chất lượng của phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Không chỉ đơn thuần là đưa người dân từ nơi này đến nơi khác mà phải bảo đảm được chất lượng cuộc sống của họ sau đó. Những người dân đóng thuế yêu cầu JICA phải có trách nhiệm kiểm soát được hiệu quả đồng vốn cho vay” - ông Mori Mutsaya nhấn mạnh và đưa ra đề nghị: Vì thế đối với 5.800 hộ dân phải di dời, JICA đề nghị phải phỏng vấn từng hộ dân và JICA sẽ cung cấp những hướng dẫn mới về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã từng khẳng định: TP nhận thức rất rõ về tầm quan trọng từ sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị nên luôn lắng nghe ý kiến từ người dân. “Chủ trương của TP là người dân tái định cư phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ” - ông Phong nhấn mạnh.