Cô đơn của mẹ, nụ cười cho con

Google News

(Kiến Thức) - Ngày ngày, người phụ nữ ấy đi lượm từng chút ve chai, đồng nát gom góp lo liệu, gửi cho các con. Bao lời cầu hôn vây quanh, bà từ chối hết. 

Không phải lòng bà không rung động, mà bởi bà không muốn nhìn thấy giọt nước mắt buồn tủi của con. Bà nhận nỗi thua thiệt về mình để đổi lấy nơi con nụ cười...

Mẹ còn sức, còn làm cho con

Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Tình (Vĩnh Phúc) đã ở lứa tuổi 50. Sáng nào cũng vậy, khi cả xóm phố nhỏ còn đang say giấc nồng thì từ 5h sáng, đều đặn ngày nắng cũng như mưa, kể cả những hôm rét cắt da cắt thịt, bà Tình đã trở dậy với chiếc đòn gánh tòn ten trên tay đi gần cây số sang khu nhà hàng Mễ Trì, Hà Nội lượm ve chai, giấy vụn rồi kịp về vào lúc 7h. Đó là lúc bà cụ bà Tình nhận trông nom đã dậy, và bà phải bắt đầu công việc của một người giúp việc, hết thời gian "làm thêm".

Mỗi hôm, từ hai túi đồ đồng nát cồng kềnh, đủ thứ tạp nham, bà Tình bán được khoảng 10.000đ. Hôm nào "xôm" lắm thì được 20.000đ. Nhìn vẻ mệt mỏi, bơ phờ của bà Tình, tôi hỏi bà kinh tế của bà không đến mức thiếu thốn quá, sao bà phải vất vả, gắng sức quá làm gì, bà trầm ngâm: "Tôi còn sức thì còn làm vì con. Đứa con trưởng tôi ở quê làm lụng đầu tắt mặt tối cũng chẳng bằng tôi nhặt nhạnh ở chốn thị thành này. Nên tôi phải cố giúp đỡ chúng nó".

Bà bảo, bà vất vả quen rồi, thế này chẳng thấm gì cả. Ngày bà lấy chồng, tài sản riêng của hai vợ chồng bà chỉ là hai đôi đũa và vài chiếc bát. Chồng công tác xa nhà, lương ít ỏi, một mình bà bươn trải, lần hồi chợ búa chăm sóc, nuôi các con ăn học, phụng dưỡng bố mẹ chồng, gây dựng kinh tế. Tới khi tạm gọi là có của ăn của để thì chồng đột ngột qua đời trong một tai nạn. "Lúc người ta đưa ông ấy về, tôi còn không dám nhìn, đau đớn lắm.Tôi sụt mất hơn 10kg, như người dở điên dở dại. Nhưng rồi nhìn các con ngơ ngác mất cha, tôi không cho phép mình gục ngã", bà Tình rưng rưng.

Tiền từ bán đồng nát chẳng được là bao, nhưng bà Tình thấy vui vì
vẫn giúp đỡ được cho các con. 

Người tình khóc, con khóc và mẹ khóc

Đảm đang, tháo vát, vóc dáng cân đối, vẻ mặt có duyên... khi chồng qua đời ít lâu, bà Tình đã nhận được vô khối những lời tỏ tình. "Người góa vợ có, người đang có vợ cũng có, mà người yêu cũ cũng có... nhưng tôi từ chối hết. Mình là gái lấy chồng phải theo chồng. Đi bước nữa con mình sẽ thành bơ vơ, tôi không thể dứt lòng mà đi. Chưa kể nếu tôi sinh thêm con với người ta, con tôi chắc sẽ buồn tủi lắm. Chúng đã mất cha, tôi không đành lòng để con mất thêm mẹ", bà Tình chia sẻ.

Tuy nhiên, khi các con đã có lứa có đôi, gây dựng gia đình ra ở riêng thì trong bà bắt đầu tràn ngập nỗi cô đơn, trống trải. Có một người đàn ông góa vợ đã theo đuổi bà từ rất lâu, và lúc này bỗng dưng bà cảm thấy xao động, khao khát có một bờ vai để tựa vào. Bà nhận thấy, ông chính là người khiến bà có thể hồi sinh những tình cảm yêu thương ngày nào.

Nhưng khi nghe bà ngỏ ý định đi bước nữa, các con bà đã khóc van mẹ đừng đi lấy chồng. "Chúng nó bảo không muốn vong linh của bố phải tủi nơi chín suối. Cũng không muốn san sẻ mẹ cho ai khác, sợ mẹ sẽ khổ, vất vả lúc cuối đời", bà Tình kể. Thế là, bà đành phải chối bỏ mối tình, mà theo bà có lẽ là "cuối cùng" trong đời.

"Anh ấy quỳ xuống, khóc xin tôi nghĩ lại. Tôi cũng khóc, nhưng nghĩ tới các con, tôi không thể làm khác được", bà Tình nghẹn ngào. Bà giở cho tôi xem những dòng thư mà "người tình" gửi cho bà, toàn những lời yêu thương, thống khổ. Bà bảo, chỉ cần bà gật đầu đồng ý, bà sẽ chấm dứt ngay "sự nghiệp" ôsin, dọn về căn nhà khang trang trên phố, hiện ông cũng chỉ ở một mình.

Thế nhưng, sáng sáng, bà vẫn chọn công việc cặm cụi đi nhặt từng đồng từ gánh đồng nát gửi về cho các con. Để rồi mỗi chiều xuống, khi các gia đình rộn rã trong cảnh đoàn viên, bà thường đứng lặng một góc sân, cười thật ròn như cố át đi nỗi buồn: "Thôi kệ, mình có khổ tới mấy mà các con vui thì đánh đổi cũng đáng".

Đàn ông vẫn được coi là "nóc nhà", trụ cột gia đình, bờ vai vững chãi... nhưng vì những rủi ro bất ngờ, nhiều gia đình đã mất đi vị thuyền trưởng đứng mũi chịu sào. Người phụ nữ bỗng trở thành người mẹ "đơn thân" với bộn bề gánh nặng. Vậy mà họ vẫn âm thầm vượt qua với sự kiên cường, hy sinh. Tòa soạn đăng loạt bài Những người mẹ "đơn thân" đưa tới cho độc giả tâm sự, nỗi niềm, tấm lòng mẫu tử... từ những cảnh đời "nửa đường đứt gánh".

TIN ĐỌC NHIỀU

Mai Loan

Bình luận(0)