Cơ quan thuế thì cho rằng tiền điện tử là tài sản bởi người sở hữu tiền kỹ thuật số, có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự.
Chiều qua (20-9), TAND tỉnh Bến Tre đã đưa vụ án kiện quyết định truy thu thuế vì kinh doanh tiền điện tử (bitcoin) ra xét xử sơ thẩm. Cuối buổi chiều, HĐXX tuyên bố nghị án kéo dài, 15 giờ hôm nay sẽ tuyên án.
Nguyên đơn là ông Nguyễn Việt Cường, ngụ phường Phú Khương, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ông Cường kiện chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre ra tòa, yêu cầu tòa buộc các cơ quan này hủy các quyết định truy thu thuế đối với việc kinh doanh tiền điện tử của ông.
Từ giữa năm 2008 đến tháng 9-2013, ông Cường tham gia trao đổi tiền điện tử (bitcoin) qua mạng Internet. Đến tháng 9-2013, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre đã nhiều lần mời ông đến làm việc về các hoạt động liên quan đến việc trao đổi tiền điện tử này. Ông đã cung cấp thông tin, trả lời chi tiết tất cả câu hỏi. Kết quả là cơ quan an ninh đã kết luận trường hợp kinh doanh của ông không phải là hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, ngày 19-10-2015, cơ quan này đã có công văn gửi các ban, ngành và Chi cục Thuế TP Bến Tre đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền ảo của ông.
|
Ông Nguyễn Việt Cường cho rằng mình không được đăng ký kinh doanh vì tiền điện tử không được coi là hàng hóa. |
Ngày 12-5-2016, Chi cục Thuế TP Bến Tre đã ra Quyết định 714 “Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả” và buộc ông Cường phải nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tổng cộng hơn 2,6 tỉ đồng. Chi cục thuế không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm.
Ngày 10-8-2016, ông Cường khiếu nại, yêu cầu Chi cục Thuế TP Bến Tre thu hồi Quyết định 714. Ông Cường cho rằng hình thức kinh doanh này không vi phạm pháp luật Việt Nam, kể cả pháp luật về thuế chưa có quy định và điều chỉnh. Do loại hình kinh doanh tiền điện tử không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh thương mại theo Nghị định 53/2013 ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử nên ông không thể đăng ký được tại Sở KH&ĐT. Do đó, ông không thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn, cũng như kê khai nộp thuế vì hình thức kinh doanh chưa có tên và chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh Việt Nam. Hơn nữa, Chi cục Thuế TP Bến Tre áp dụng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải là văn bản pháp quy để áp dụng truy thu thuế.
Ngày 7-9-2016, Chi cục Thuế TP Bến Tre đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và bác đơn của ông Cường. Chi cục Thuế TP Bến Tre cho rằng “… Hành vi mua bán tiền kỹ thuật số không phải là hành vi bị cấm. Người sở hữu tiền kỹ thuật số, có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc “quyền tài sản” theo Điều 181 BLDS… Do vậy, tiền kỹ thuật số là “tài sản” theo Điều 163 BLDS và là “hàng hóa” động sản theo Điều 3 Luật Thương mại… Hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại”…
Không đồng ý, ông Cường tiếp tục khiếu nại.
Ngày 18-5-2017, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Theo đó, cho rằng hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu GTGT quy định tại Điều 3 và không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT; cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng nộp thuế TNCN theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế TNCN. Do đó, ông Cường có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của Chi cục Thuế TP Bến Tre, tức thực hiện nghĩa vụ nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Sau khi được TAND tỉnh Bến Tre thụ lý vụ án hành chính, ông Cường còn cung cấp Công văn 47 ngày 4-8-2017 của Sở KH&ĐT tỉnh Bến Tre có nội dung từ chối đơn xin đăng ký kinh doanh mua bán tiền điện tử (bitcoin, webmoney) của ông. Công văn từ chối này căn cứ Công văn số 761 ngày 28-7-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre xác định việc đăng ký kinh doanh mua, bán tiền điện tử, tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam.
Phải công nhận tiền điện tử là tài sản thì mới thu thuế được
Vấn đề thu thuế đối với các hoạt động giao dịch tiền điện tử nói chung và bitcoin nói riêng đều diễn ra tình trạng tranh cãi ở các nước. Tùy vào điều kiện và quan điểm của từng nước sẽ có các giải pháp khác nhau.
Lấy ví dụ: Nước Mỹ, vào ngày 25-3-2014 phía IRS (Internal Revenue Service) đã đưa ra thông cáo “IRS issued Notice 2014-21” để mô tả các nguyên tắc thuế hiện hành áp dụng thế nào cho các giao dịch liên quan đến tiền điện tử.
Ở đây, nước Mỹ đã công nhận rõ tiền điện tử là tài sản. Các nguyên tắc thuế chung áp dụng cho bất động sản được dùng cho các giao dịch sử dụng tiền điện tử.
Hoạt động kinh doanh tiền điện tử sẽ được hiểu như hoạt động buôn bán ngoại tệ. Ở đây sẽ hình thành cơ chế xử lý thu nhập thông thường, theo mức lợi tức bất kỳ.
Việc thu thuế hiện nay ở Việt Nam đang là tình trạng tự phát thu thuế. Cơ sở để thu thuế là không có trong các văn bản pháp luật.
Ông LÊ DUY KHÁNH, ngụ Hà Nội, người tham gia thị trường tiền số