Việt Nam có “bảo kê” buôn lậu sừng tê giác?

Google News

(Kiến Thức) - Theo LS.Phạm Văn Phất, chưa thể khẳng định được có “bảo kê” đưa sừng tê giác vào Việt Nam từ lập luận không truy tố thủ phạm của Traffic.

Mới đây, tổ chức Traffic (Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán thực, động vật hoang dã) cho biết, từ một số liệu báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu sừng tê giác của Cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam cho thấy, từ năm 2003 - 2010 có 657 sừng tê giác được xuất khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam. Nhưng, thực tế chỉ ghi nhận có 170 chiếc trong danh sách nhập khẩu. Như vậy, có tới 74% số sừng tê giác đã vào Việt Nam dưới dạng “nhập lậu”. Và việc này đã khiến Việt Nam thiệt hại gần 2 triệu USD tiền thuế, đồng thời tạo điều kiện cho việc buôn bán sừng tê giác tràn lan.
 Sừng tê giác bị bắt giữ ở Việt Nam
Traffic còn “tố” sừng tê giác vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tuyến hàng không nối từ Johannesburg với Hà Nội, TP HCM, Hongkong, Bangkok… rồi vận chuyển bằng đường bộ qua Lào, Thái Lan…Những vụ đưa sừng tê giác “lậu” về Việt Nam trot lọt là nhờ có sự “bảo kê” của một số cán bộ, một số nhà ngoại giao Việt Nam. Để chứng minh cho nhận định này, bà Naomi - Trưởng đại diện Tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết “Từ năm 2009, Việt Nam đã đưa ra báo cáo rằng có khoảng 100kg sừng tê giác bị bắt giữ và từ năm 2004 - 2008 có ít nhất 10 vụ bắt giữ liên quan đến hành vi bán trái phép sừng tê giác ở thị trường nội địa, nhưng lại không có ai bị truy tố”.
Tuy nhiên, luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng lập luận của Traffic chưa đủ để kết luận có “bảo kê” cho việc buôn lậu sừng tê giác.
Theo ông Phất, không chỉ sừng tê giác mà bất cứ mặt hàng nào có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đều phạm vào tội buôn lậu và phải truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, vấn đề ở chỗ có xác định được đích danh thủ phạm hay không. “Nếu đã bắt được thủ phạm rồi thì khó có chuyện không truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng ở Việt Nam, rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng bắt được hàng buôn lậu nhưng chủ hàng thì “bỏ của chạy lấy người”, khó xác định danh tính nên không thể truy tố được”, ông Phất cho hay.
Thực tế cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp chủ hàng buôn lậu “bỏ của chạy lấy người” khiến công cuộc chống buôn lậu của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
N.Đ

Bình luận(0)