Ngày 6/3, tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ đã công bố danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2018. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD mới được tạp chí này công nhận, đó là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Ôtô Trường Hải và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (Hoà Phát Group).
Còn trước đó, Bloomberg cũng đưa ra danh sách xếp hạng tỷ phú USD tại Việt Nam gồm 3 người là ông Phạm Nhật Vượng, bà Phương Thảo và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group.
Như vậy một lần nữa danh sách các tỷ phú USD trên thế giới do cả Forbes và Bloomberg xếp hạng đã bỏ qua ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC, mặc dù vị tỷ phú Việt Nam này được cho là sở hữu khối tài sản lên đến gần 2 tỷ USD.
Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017 - Trịnh Văn Quyết lại 2 lần liên tiếp không được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú thế giới?
|
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC Group vẫn chưa có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes lẫn Bloomberg. Ảnh: FB Trinh Van Quyet. |
Tài sản khủng nhưng liên tiếp "trượt" danh sách tỷ phú
Theo số liệu cập nhật ngày 15/3/2018 về danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trên toprich.bizlive.vn, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn của 3 công ty gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã: FLC) là 279.837.400 CP (40,9%); Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã: ROS): 318.514.630 cổ phần (67,3%); Công ty cổ phần chứng khoán ARTEC (mã: ART) 2.630.000 cổ phiếu (8,4%).
Với số lượng cổ phiếu trên, ước tính tổng quy mô tài sản vốn hóa của ông Trịnh Văn Quyết là trên 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD). Hiện ông Quyết xếp vị trí thứ 2 trong danh sách người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Mặc dù khối tài sản “khủng” lên đến gần 2 tỷ USD trên sàn chứng khoán nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn không xuất hiện trong bất kỳ danh sách người giàu nào theo thống kê của Forbes hiện tại.
Trước đó, khi cập nhật danh sách tỷ phú USD vào tháng 3/2017, ông Quyết cũng bị Forbes "bỏ qua", dù tài sản trên sàn chứng khoán đã vượt xa ngưỡng 1 tỷ USD từ cuối tháng 10/2016.
Cụ thể, theo số liệu cập nhật tại thời điểm ngày 2/1/2017, tại FLC, ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ 114,1 triệu cổ phiếu (17,9%), tương ứng 593,8 tỷ đồng; tại ROS là 289,5 triệu cổ phần (67,34%), tài sản ước tính 33.212,4 tỷ đồng. Tính chung tổng tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết vào khoảng 33.806,2 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Tại thời điểm đó, nhiều người dự đoán Chủ tịch FLC sẽ được Forbes xếp vào danh sách tỷ phú USD thế giới, thế nhưng ông Quyết đã không được xếp hạng.
Nguyên nhân vì đâu?
Lý giải về nguyên nhân ông Trịnh Văn Quyết liên tiếp trượt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes dù sở hữu khối tài sản khủng, trao đổi với Zing.vn, Janelle Kuah - Giám đốc truyền thông Forbes châu Á - cho hay, với trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, tạp chí này cũng chưa hoàn toàn chắc chắn về định giá tài sản của ông Quyết và còn nhiều câu hỏi xung quanh việc định giá nên Forbes quyết định một lần nữa không xếp hạng ông chủ của FLC.
Vào năm 2017, Forbes cũng đã không xếp hạng tỷ phú USD với ông Trịnh Văn Quyết với lý do: “Hiện nay, Forbes vẫn trong quá trình theo dõi khối tài sản của Trịnh Văn Quyết”.
Forbes từng cho biết, việc xếp hạng các tỷ phú, triệu phú trên thế giới rất khó khăn. Và để xác định tài sản của các tỷ phú, tạp chí này đã kết hợp rất nhiều phương pháp tính toán khác nhau. Tạp chí này định giá tài sản của các tỷ phú dựa trên giá trị cổ phiếu của họ trên các sàn chứng khoán, bất động sản sở hữu, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng đồng thời lấy ý kiến hàng loạt chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau để ước tính tài sản của các tỷ phú.
|
Trong một cuộc phỏng vấn với Zing.vn, bản thân ông Trịnh Văn Quyết cho hay ông không quá quan trọng việc có được Forbes công nhận là tỷ phú USD hay không. Ảnh: Zing.
|
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết biến động khá thất thường nên các tổ chức nước ngoài vẫn chỉ dừng lại ở mức độ quan sát, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến Forbes hay Bloomberg chưa xếp hạng ông Quyết vào “top” những người giàu nhất thế giới.
Doanh nghiệp còn vướng nhiều tai tiếng trên sàn chứng khoán
Mặt khác, theo báo Giáo dục Việt Nam, ở giai đoạn cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết còn vướng vào tai tiếng bán chui cổ phiếu FLC - công bố một đằng (mua vào) nhưng làm một nẻo (bán ra). Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết đã bán “chui” 57 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 9% vốn điều lệ của Tập đoàn FLC, diễn ra trong 3 ngày (20/10, 23/10, 24/10/2017).
Cũng tại thời điểm này (ngày 23/10/2017), ông Trịnh Văn Quyết lại tuyên bố mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC để nâng tỷ lệ sở hữu FLC từ 24,32% lên 30,12% trên tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của Tập đoàn FLC.
Ngày 10/11/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trịnh Văn Quyết vì bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về việc dự kiến giao dịch. Mức xử phạt mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng đối với hành vi của ông Trịnh Văn Quyết là 65 triệu đồng.
Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt 130 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros, cũng với hành vi bán "chui" hơn 13,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) từ ngày 20 – 24/10/2017.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ Tài chính, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng cần xử lý hành vi này nghiêm khắc hơn.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, mức xử phạt đối với hành vi bán chui của ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros là quá nhẹ. Hơn nữa, mức xử phạt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã không buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros có được do thực hiện hành vi vi phạm mà có đã gây bức xúc cho các nhà đầu tư.
Như vậy, khi mà Forbes, Bloomberg định giá tài sản của các tỷ phú USD chủ yếu qua tài sản chứng khoán thì rất có thể những "cú phốt" như thế này đã là vật cản khiến ông Trịnh Văn Quyết đến giờ vẫn chưa chiếm trọn niềm tin của Forbes và Bloomberg.