Vì sao người siêu giàu Việt Nam tăng chóng mặt?

Google News

Một tổ chức nghiên cứu kinh tế vừa dự đoán, trong 10 năm tới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới.

TS. chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường
Vi sao nguoi sieu giau Viet Nam tang chong mat?
TS. chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. 
Con số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ tăng trong năm tới là điều không có gì bất ngờ. Đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường.
Cơ chế thị trường đã loại bỏ dần tính bình quân bao cấp, khuyến khích làm giàu bằng việc phát huy các nguồn lực về vốn, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, sức lao động, kinh nghiệm làm ăn. Chính cơ chế thị trường, quá trình toàn cầu hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi, cũng như cơ hội để con người bứt phá làm giàu rất nhanh.
Không chỉ dừng lại trong nước, người ta có thể làm giàu từ nước ngoài khi việc kinh doanh, buôn bán giữa các nước với nhau thông qua những hiệp định, thỏa thuận. Kinh tế ngày càng phát triển, người giàu vẫn cứ giàu, bởi vậy, tất yếu xã hội sẽ có sự chênh lệch giàu nghèo, có nhóm người giàu, người siêu giàu và người nghèo.
Xã hội phát triển không thể theo kiểu dàn đều bình quân, “xấu đều hơn tốt lỏi” như ngày xưa quan niệm. Bởi vậy, xã hội sẽ có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt. Một đất nước nhiều người giàu có gì không tốt.
Điều quan trọng người ta làm giàu có chính đáng hay không, những đóng góp cũng như trách nhiệm của họ đối với xã hội như thế nào.
Cũng không nên nhìn nhận vấn đề ngày càng nhiều người giàu mà cho rằng đó là tín hiệu xấu hoàn toàn. Tất nhiên không ai cổ vũ, đánh giá cao những người tìm mọi cách để làm giàu bằng mọi giá như làm ăn bất chính, gian dối, mua chính sách để trục lợi... bởi những người làm giàu kiểu đó thì rất nguy hại cho xã hội, cho nền kinh tế.
Đặc biệt, những người giàu có đó lại khoe mẽ, dùng tiền vào những mục đích xấu thì càng đáng lên án, đó sẽ là tín hiệu xấu nếu nhóm làm giàu này tăng cao.
Do vậy, Nhà nước cần áp dụng những biện pháp đồng bộ và chặt chẽ, như chính sách thuế cần phải xem xét lại để những người thu nhập cao phải nộp thuế cao. Như ở Mỹ, thuế thu nhập cá nhân từ 40-60% để đảm bảo công bằng xã hội. Bên cạnh đó hỗ trợ những người nghèo vì những nguyên nhân khách quan về vốn, kinh nghiệm làm ăn, cứu trợ khi gặp rủi ro.
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng bộ KH&ĐT, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp FDI: Giàu nhưng không đóng góp tương xứng cho xã hội thì cũng vô nghĩa
Vi sao nguoi sieu giau Viet Nam tang chong mat?-Hinh-2
GS.TSKH Nguyễn Mại. 
Tôi cho rằng, con số những người siêu giàu của nước ta là bao nhiêu, tăng nhanh nhất thế giới cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu như nhóm người này không đóng góp tương xứng cho xã hội.
Một đất nước có thu nhập trung bình thấp trong khu vực và trên thế giới, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn thì những con số đó không nói lên điều gì cả, nếu không muốn nói là tín hiệu xấu. Giàu có quá nhanh, giàu một cách không minh bạch, hợp pháp là điều rất đáng ngại. Số người tăng một cách quá nhanh còn kéo theo hệ lụy tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá, cả xã hội chạy theo đồng tiền, đạo đức sẽ xuống cấp...
Xã hội muốn phát triển bền vững, nền kinh tế phát triển phải đảm bảo cả hai điều minh bạch và công khai. Tôi cho rằng, điều người dân quan tâm là an sinh xã hội được bảo đảm, ông chủ các doanh nghiệp sẽ làm gì để tạo công ăn việc làm cho họ chứ không phải những con số vô nghĩa về người siêu giàu, hay tên tuổi của một vài tỉ phú nào đó.
Theo ĐSPL

>> xem thêm

Bình luận(0)