Vì sao "ghế nóng" hàng loạt ngân hàng đổi chủ?

Google News

Quyết định chọn doanh nghiệp, hàng loạt đại gia đã buộc phải thôi chức Chủ tịch HĐQT tại các ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông năm nay.

Ngày 26/4, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), ông Võ Quốc Thắng (tức “bầu” Thắng) đã chính thức thôi chức Chủ tịch ngân hàng này để lui về với vai trò cố vấn. Thay vào đó, HĐQT nhiệm kỳ mới đã họp và thống nhất bầu ông Lê Khắc Gia Bảo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT.
Về lý do rời ghế Chủ tịch HDQT Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng chia sẻ, đã quyết định chọn Đồng Tâm Group nên buộc phải thôi chức tại Kienlongbank. Nguyên nhân là do Luật các tổ chức tín dụng mới sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018, quy định: Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
 "Bầu" Thắng chia sẻ trước khi rời vị trí lãnh đạo Kienlongbank.
Trước đó 1 ngày, Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng với lý do trên, ông Vũ Văn Tiền cũng đã quyết định rời vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng này, thay vào đó người được bầu vào là ông Đào Mạnh Kháng.
Ông Vũ Văn Tiền hiện đang nắm giữ vị trí lãnh đạo ở nhiều công ty khác như: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Thăng Long…
Có thể thấy, “làn sóng” thay đổi lãnh đạo chủ chốt tại nhiều ngân hàng và tập đoàn đang diễn ra rất mạnh trong mùa Đại hội cổ đông năm nay. Ngược với một số đại gia quyết định chọn doanh nghiệp thì nhiều người lại chọn ngân hàng.
Cụ thể, ông Đỗ Quang Hiển (“bầu” Hiển) cũng đã phải chấp nhận rời bỏ vị trí chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản T&T để ở lại với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Lý do, đại gia này cho biết dù đã nhiều năm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT hay Tổng giám đốc các công ty nhưng ông lại phải dành tới 80-90% thời gian để quản trị hệ thống NH.
 "Bầu" Hiển quyết định ở lại SHB và rời T&T.
Tương tự, để giữ chiếc ghế nóng ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Dương Công Minh đã phải rời bỏ các chức danh chủ tịch HĐQT tại 4 doanh nghiệp, gồm: Him Lam, Dụng cụ thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần và Chứng khoán Liên Việt.
Điều này đã khiến người đứng đầu Sacombank khá đau đầu. “Phải nói thật là đến thời điểm hiện tại tôi mới xác định 100% là mình sẽ gắn bó với Sacombank, chứ còn trước đó trong thâm tâm vẫn không biết là mình sẽ ở lại bao lâu hay sẽ sớm ra đi” – ông Dương Công Minh từng chia sẻ.
Hay ông Đỗ Minh Phú cũng đã phải rời bỏ vị trí Chủ tịch Doji để giữ vị trí tương tự tại TPBank. Bà Thái Hương cũng quyết định sẽ rút lui khỏi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn TH True Milk sau 10 năm gắn bó, và ở lại vị trí Tổng giám đốc BacABank.
Theo các chuyên gia, dự báo xu hướng “đổi chủ” ghế nóng của các ngân hàng, doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục. Trên thực tế, đến nay Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực hơn 3 tháng nhưng một số người vẫn đang cùng lúc kiêm nhiệm các chức vụ cao tại cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Đơn cử như bà Nguyễn Thị Nga, hiện đang là Chủ tịch SeABank, nhưng đồng thời cũng đang giữ vị trí lãnh đạo hàng loạt doanh nghiệp khác như: BRG Group và hàng loạt công ty khác. Hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là Tổng giám đốc của VietJet Air nhưng cũng đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT của HDBank…
Do đó, trong mùa đại hội cổ đông này, họ sẽ buộc phải lựa chọn cương vị quan trọng nhất của mình là ngân hàng hay doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, việc này là bắt buộc nhằm đảm bảo giảm sở hữu chéo, và đảm bảo các vị lãnh đạo này tập trung vào lãnh đạo tốt các ngân hàng.
Theo Linh Nhật/An Ninh Thủ Đô

>> xem thêm

Bình luận(0)