Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Vũ Xuân Thủy cho biết, toàn huyện Phù Cừ hiện trồng 1.200ha vải, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ 850 ha và vải trứng Hưng Yên 350 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ cho thu hoạch rộ từ ngày 25/5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Sản lượng vải quả năm 2024 toàn huyện ước đạt từ 13.500- 14.000 tấn.
Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Trên địa bàn huyện hiện có 3 vùng đã được cấp chứng nhận vùng có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu (vùng được cấp mã số OTAS).
Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Phố Hiến Bùi Thị Thu Hường cho biết, năm nay vải chín sớm và vải trứng Hưng Yên đều "được mùa, được giá". Ảnh: MN
Những ngày cuối tháng 5, nông dân trồng vải trên địa bàn huyện Phù Cừ phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. Từ sáng sớm, trong những vườn vải sai trĩu quả rộn rã tiếng cười, nói của già, trẻ, gái trai.
Xã Tam Đa là một trong những xã có diện tích vải lai chín sớm lớn nhất huyện Phù Cừ với trên 300ha; trong đó, có 50ha là sản phẩm OCOP 3,4 sao.
Năm nay, sản lượng toàn xã ước đạt khoảng 6.000 tấn. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Đa Trần Ngọc Đại cho hay với ưu thế chín sớm cộng với mẫu mã sáng, đẹp, vị ngọt thanh đặc trưng đã khiến quả vải lai chín sớm Phù Cừ thu hút thị hiếu khách hàng.
Hiện trên địa bàn xã có khoảng 20 điểm tập kết thu mua vải, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho bà con và thương lái mua bán.Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Xuân Khoát, ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch vải lai chín sớm.
Ông Ngô Kỷ xã Tam Đa phấn khởi cho biết, vụ vải năm nay gia đình ông thắng lớn, gần 4 mẫu vải lai chín sớm được sản xuất theo quy trình VietGAP cho thu khoảng 20 tấn quả, dự kiến sẽ cho thu nhập gấp 3 lần cấy lúa.
Còn bà Lê Thị Huế, xã Minh Tân chia sẻ: "Gia đình tôi trồng 7 mẫu vải trứng, năm nay giá vải có nhích hơn so với năm trước nên người dân trồng vải rất phấn khởi".
HTX Nông nghiệp xanh Phố Hiến thu mua vải trứng Hưng Yên cho bà con nông dân. Ảnh: MN
Tại khu vườn rộng hơn 1 mẫu trồng vải trứng của gia đình ông Trần Văn Kiều, xã Phan Sào Nam đúng vào ngày thu hoạch. Vụ này, sản lượng vải của gia đình ông Kiều ước thu đạt 1 tấn quả, với giá bán bình quân 150.000 – 180.000 đồng/kg. Cầm trên tay chùm vải trứng quả to, chín đỏ rực, ông Kiều phấn khởi cho biết, vườn vải trứng của gia đình ông được đánh giá là một trong những vườn vải đẹp và sản lượng cao trên địa bàn xã. Vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng ngon, hình thức mã quả đẹp, bình quân khoảng 17 quả/kg.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết với ưu thế chín sớm, chất lượng ngọt thanh nên quả vải lai của huyện Phù Cừ có giá trị cao, được nhiều người tiêu dùng tìm mua.
Niên vụ năm 2023, công ty đã ký được đơn hàng khá lớn để tiêu thụ vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên, được đông đảo khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Vì thế, năm nay công ty dự kiến sẽ ký kết với các hợp tác xã số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Là đơn vị liên kết, thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, năm nay, HTX Nông nghiệp xanh Phố Hiến dự kiến bao tiêu đầu ra cho bà con khoảng 30 tấn vải chín sớm và vải trứng, cung cấp đi các tỉnh, TP như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Bà Bùi Thị Thu Hường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Phố Hiến cho biết, năm nay, diện tích vải chín sớm và vải trứng cũng bị ảnh hưởng do thời tiết, tỷ lệ đậu quả đạt 60%/ha, tuy nhiên, diện tích vải tăng hơn so với năm trước nên không tác động nhiều đến tổng sản lượng vải cung cấp ra thị trường.
Theo bà Hường, bên cạnh vải chín sớm thì vải trứng "được mùa, được giá" và luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, thương lái ở các tỉnh đều "săn lùng" từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng 4, HTX đã về các vườn đặt tiền thu mua vải chín sớm và vải trứng. "Hầu hết những khách hàng năm ngoái mua vải trứng Hưng Yên của HTX thì năm nay đều quay lại mua tiếp", bà nói.
"Vải trứng là một đặc sản nổi tiếng chỉ có tại huyện Phù Cừ. Vải trứng có vị ngọt thanh và thơm mát như mùi lúa nếp trổ đòng, không ngọt sắc khé cổ họng như vải thiều, không có vị chua như vải u, không chát như vải gai, đặc biệt là cây không sai trái như các giống vải khác", bà Hường chia sẻ.
Năm 2024, toàn huyện Phù Cừ (Hưng Yên) trồng 1.200ha vải, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ 850 ha và vải trứng Hưng Yên 350 ha được sản xuất theo quy trình VietGAP. MN
Hiện vải trứng được phân loại thành các size tương ứng với giá thành. Cụ thể: size từ 17 - 20 quả/kg, giá 180.000 đồng/kg, size từ 21 - 25 quả, giá 150.000 đồng/kg.
Cũng theo bà Hường, chất lượng vải trứng Hưng Yên năm nay được đánh giá tốt hơn so với mọi năm, do bà con tuân thủ quy trình chăm sóc áp dụng khoa học kỹ thuật. Với nhiều đặc điểm tốt cùng vị ngon đặc biệt, những năm gần đây, quả vải trứng Hưng Yên ngày càng được nhiều người biết đến tìm mua.
Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2020, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2022, vải trứng Hưng Yên lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Cây vải trứng Hưng Yên có nguồn gốc từ cây vải tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Vì ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam. Do hợp thổ nhưỡng nên cây vải này năm nào cũng cho quả to, mã đẹp, vị ngọt thơm đặc biệt khác hẳn các loại vải khác. Từ cây vải này, đến nay, cây vải trứng Hưng Yên được trồng chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một phần diện tích của huyện Ân Thi.
Vải trứng Hưng Yên có đặc điểm khi chín vỏ mỏng, có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc, quả to, chín sớm, giá bán cao. Đặc biệt, sức hấp dẫn của quả vải trứng Hưng Yên là sau khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3 - 4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, ngày 27/8/2020, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 1987/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Trong đó, cây vải phát triển, mở rộng diện tích từ 800 – 1.000 ha, nâng tổng diện tích trồng vải tại các huyện Phù Cừ và Ân Thi... đến năm 2025 đạt khoảng 2.000 nghìn ha, trong đó, mở rộng diện tích trồng vải trứng Hưng Yên chiếm khoảng 30% diện tích.