Cách đây 10 năm, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phổ cập thành công alo với công cuộc “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, biến điện thoại di động từ dịch vụ xa xỉ dành cho người giàu thành dịch vụ thông thường cho tất cả người dân.
10 năm sau, tập đoàn này đang đặt ra mục tiêu mới là phổ cập smartphone vào năm 2020.
|
Viettel muốn phổ cập smartphone đến mọi người dân Việt Nam. |
“Viettel đang nuôi khát vọng, từ nay đến 2020 mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc smartphone. Nếu mỗi người dân Việt Nam có một chiếc smartphone thì Việt Nam sẽ hoàn toàn thay đổi!”, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng “giấc mơ” mỗi người dân Việt Nam sở hữu một chiếc máy tính bàn là không thực tế, bởi mỗi chiếc máy tính có giá từ 200-300 USD và mỗi tháng mất từ 200-300 nghìn đồng tiền Internet, đây là mức chi phí quá cao. Trong khi đó, smartphone hiện giờ đã có các tính năng như một chiếc laptop, máy tính bàn.
Viettel cũng đã sản xuất ra những chiếc smartphone có giá chỉ 42,5 USD (chưa tới 1 triệu đồng) và có dịch vụ data dùng trọn gói chỉ 70.000 đồng/tháng.
“Nếu chúng ta làm được việc để mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một chiếc smartphone để truy cập Internet với giá rẻ thì đó là một cuộc cách mạng”, ông Hùng nhìn nhận.
Cùng với mục tiêu phổ cập smartphone là chiến lược quay về thị trường thành thị của Viettel, sau 10 năm.
Ông Hùng lý giải, smartphone ngày càng phổ cập và nhiều người dùng, Internet cáp quang hay smartphone chỉ có những người có trình độ, hiểu biết tiếng Anh, công nghệ thông tin mới sử dụng. Mà đối tượng này chỉ tập trung ở thành phố lớn. Internet thì không thể áp dụng chiến lược “nông thôn bao vây thành thị” được. Vì vậy, việc đầu tiên là phải phổ cập thị trường này trước.
Không gian của dịch vụ viễn thông trong tương lai rất rộng, Viettel còn quá nhiều đất để “dụng võ” trên chặng đường đưa công nghệ, viễn thông vào mọi ngõ ngách đời sống xã hội của người dân Việt Nam, Tổng giám đốc Viettel tự tin.
Mục tiêu của Viettel là đưa viễn thông, công nghệ thông tin vào các dịch vụ của xã hội để tỷ lệ doanh thu từ thoại chỉ còn 20-30% vào năm 2020. “Viettel sẽ không thiếu việc để làm, không phụ thuộc doanh thu vào alo nếu người Viettel biết nghĩ khác, làm khác”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Hùng dẫn chứng bằng những dịch vụ mà Viettel có thể triển khai trong tương lai, chẳng hạn như gắn sim 3G vào đồng hồ để đo nhịp tim, đo được các thông số sức khỏe truyền về trung tâm. Nó sẽ so sánh kết quả tháng trước, năm trước sau đó tính toán theo công thức của bác sĩ để điều chỉnh chế độ thuốc.
Hoặc như gắn sim 3G vào xe ôtô để bật trước máy lạnh lúc trời nóng, theo dõi lịch trình để biết con cái mình đi đâu, làm gì… Rồi qua hệ thống cáp quang Viettel sẽ cung cấp đến hàng triệu hộ gia đình truyền hình trả tiền theo yêu cầu. Những chương trình phổ cập kiến thức nông nghiệp, dạy học cho trẻ em sẽ được đóng gói và khi cần các gia đình sẽ mở xem trên hệ thống…
Chia sẻ những kế hoạch cho chặng đường hậu 10 năm của Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Viettel đang đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành top 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới”.
Tính đến nay, Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ tại 7 quốc gia là Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru và Cameroon.
Hai thị trường khác đã được cấp giấy phép và đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng là Tanzania và Burundi. Viettel cũng đang tiếp tục đeo bám các thị trường khác để từng bước thực hiện mục tiêu trở thành công ty toàn cầu.