Trồng táo giống Thái thành công, anh Cường được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.
Hành trình lặn lội đi tìm cây táo ngoại
Trước đây, gia đình anh Hồ Tấn Cường, thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) trồng mía. Tuy nhiên, trồng mía cho thu nhập thấp, do giá vật tư cao, sâu bệnh, thị trường tiêu thụ chậm, thu không đủ bù chi.
Sau nhiều ngày nghiên cứu, anh Cường đã lặn lội vào tỉnh Ninh Thuận để học tập kinh nghiệm và mua 300 cây giống táo Thái Lan về trồng. Những năm đầu, khó khăn chồng chất khi chưa nắm vững được kỹ thuật nên táo ra không đạt.
Những lúc khó khăn, anh Cường không hề nản chí mà tiếp tục tìm tòi trên mạng và liên hệ những người có kinh nghiệm trồng táo để học tập. Bên cạnh đó, vừa làm anh lại đúc kết được kinh nghiệm nên dần dần anh hoàn thiện được kỹ thuật làm táo.
Từ diện tích ban đầu chỉ 3.600m2, sau thời gian chịu khó chăm sóc những quả táo to bự, giòn, ngọt đã bắt đầu đến với gia đình anh khi sản phẩm đưa ra thị trường được khá nhiều người ưa chuộng. Tiếp tục, anh tích góp vốn và dần dần mở rộng diện tích đến nay anh đã có 3ha diện tích táo.
Theo anh Cường, táo Thái Lan trồng ở Cam Thành Nam thông thường thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12.
Bình quân năng suất táo Thái Lan đạt khoảng từ 60 - 70 tấn/ha. Với 3ha trồng táo Thái Lan của gia đình trung bình mỗi năm, anh Cường thu hoạch khoảng trên 200 tấn trái.
Táo Thái Lan có nhiều ưu điểm hơn so với cây táo truyền thống, năng suất vượt trội, trái to hơn nên thu hoạch nhanh hơn, cây sinh trưởng phát triển mạnh, độ giòn của táo và hàm lượng vitamin C,D cao hơn giống táo truyền thống. Táo Thái Lan hiện đang được các thương lái ưa chuộng, giá hiện tại vườn 15.000 đồng/kg.
Trồng táo Thái Lan thành tỷ phú, xây nhà khang trang
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Hồ Tấn Cường chia sẻ: "Thật sự gia đình trước đây xuất thân từ bần nông, gia đình không có đất, phải đi làm thuê đủ nghề. Tôi xác định khi làm phải tích góp vốn, tìm tòi học hỏi và nghiên cứu những cây trồng có hiệu quả và chính cây là những quả ngọt mang lại cho gia đình".
Anh Hồ Tấn Cường cho biết: "Giai đoạn 2007 - 2008 là thời kỳ cây táo phát triển và cho giá trị kinh tế cao đối với nông dân ở đây, vì vậy, diện tích trồng táo được mở rộng. Lúc đó, cây táo phát triển mạnh, ít sâu bệnh lại cho giá trị kinh tế cao nên rất nhiều nông dân trồng. Tuy nhiên, sau đó nhiều người phá sản cũng vì cây táo. Nguyên nhân là do tình trạng ruồi vàng làm hại quả xảy ra khắp vùng trồng táo".
Thấy được việc trồng táo gặp khó khăn vì sâu bệnh, nhất là khi bị ruồi vàng đục quả, đầu ra sản phẩm không nhiều nên nhiều người nông dân phá bỏ cây trồng này.
Một lần nữa, anh lại tự mình tìm tòi làm mô hình nhà lưới. Với cách làm này đã mang lại hiệu quả đáng kể, những quả táo đã không còn bị ruồi vàng đục, hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với cách làm mạnh dạn trên, nhiều bà con xung quanh đã đến học tập kinh nghiệm từ anh Cường và kể từ năm 2022 đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng mô hình trồng táo trong nhà lưới.
Anh Hồ Tấn Cường được tín nhiệm bầu làm Giám đốc Hợp tác xã trồng táo Cam Thành Nam, các thành viên luôn luôn mạnh dạn đầu tư để trồng cây táo, phát triển sản phẩm theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng và giá cả đều tăng, cây táo mang lại thu nhập tốt cho người nông dân ở địa phương.
Táo Cam Thành Nam đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ của táo Cam Thành Nam hiện nay không chỉ ở trong tỉnh Khánh Hòa mà còn được phân phối tại các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, Đà Lạt, Đắk Lắk, TP.HCM.
Trong thời gian tới, anh Hồ Tấn Cường sẽ tiếp tục đưa thương hiệu táo sạch ở địa phương bay xa hơn, phục vụ đến người tiêu dùng với phương châm táo sạch, đạt chất lượng. Bên cạnh đó, anh còn ấp ủ làm táo sạch kết hợp với du lịch, nhằm quảng bá các sản phẩm táo tươi, táo sấy,... cho người tiêu dùng.
Với 3ha trồng táo, doanh thu đạt 2,1 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình anh Hồ Tấn Cường lãi 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, anh Cường có thu nhập từ bán vật tư nông nghiệp 300 triệu đồng và thu mua táo, na, xoài khoảng 300 triệu đồng. Tổng thu nhập đạt khoảng 2,1 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Tiến Văn Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam (TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cho biết, cây táo được xem là cây trồng chủ lực của địa phương, mô hình trồng táo sạch của anh Cường được địa phương đánh giá cao, hiệu quả.
Theo ông Khôi, hiện nay địa phương có hơn 20 hộ trồng táo, với diện tích khoảng 50ha, chủ yếu bà con đã áp dụng làm nhà lưới. Trong thời gian qua, địa phương đã tạo điều kiện cho các thành viên trong Hợp tác xã vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, vốn Ngân hàng chính sách-xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp để phát triển mô hình.
Thông qua đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và mở rộng diện tích. Dự kiến vào cuối tháng 7 táo Cam Thành Nam sẽ đưa ra giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại phiên chợ do Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức.
Mô hình trồng táo Thái Lan của anh Cường đã tạo việc làm từ 8 - 10 lao động có thu nhập, thậm chí có thời điểm giải quyết cho 20 lao động. Anh Cường ngoài chịu khó làm ăn, còn tích cực hoạt động trong phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động, đồng thời làm các chương trình thiện nguyện giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Anh Hồ Tấn Cường được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", giai đoạn 2017 - 2020; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2020; Chủ tịch UBND TP Cam Ranh tặng Giấy khen hội viên, nông dân xã Cam Thành Nam có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;...