Nhiều hộ gia đình phản ánh, 2 tháng gần đây tiền điện bỗng tăng cao bất thường. Đỉnh điểm là tổng số tiền điện phải đóng trong tháng 6 (kỳ chốt giữa tháng 5 đến giữa tháng 6) của nhiều gia đình tăng gấp 2 lần so với trước đây.
Nhu cầu sử dụng giảm nhưng tiền điện lại tăng gấp đôi
Cầm hóa đơn tiền điện tháng 6, chị Thanh Hiền (TP.HCM) giật mình khi thấy số tiền phải đóng hơn 800.000 đồng, tăng gần gấp 2 lần so với tháng trước.
Chị Hiền cho hay nhà chị chỉ có ba mẹ lớn tuổi là ở thường xuyên. Với chừng ấy người và nhu cầu sử dụng điện không cao, chị Hiền cho rằng số tiền phải đóng trong tháng này lên gần cả triệu đồng là vô lý.
“Ba mẹ tôi ở nhà không dùng máy lạnh, không dùng máy giặt, máy nước nóng thì thỉnh thoảng, do thời tiết hay bất thường với tuổi già. Nhu cầu mỗi ngày cũng chỉ các thiết bị đơn giản như tủ lạnh, đèn, quạt và TV. Mọi người rất có ý thức tiết kiệm điện, vậy mà tháng này lại tăng gần gấp đôi thì không thể hiểu nổi”, chị Hiền bức xúc.
|
Người dân cả nước phản ánh giá tiền điện tăng chóng mặt thời gian qua. |
Không chỉ chị Hiền, rất nhiều người dân ở các quận khác nhau trên địa bàn TP.HCM cũng đồng loạt phản ứng về tiền điện tăng mạnh. Nhiều hộ còn phải trả gấp đôi so với các tháng trước.
Sáng 21/6, chị Hồng Thúy (quận 11, TP.HCM) vừa đi thanh toán số tiền điện gần 5 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với tháng trước. Chị Thúy cho hay tổng điện năng tiêu thụ trong tháng vừa rồi của gia đình là 1.754 KWh, tăng gần 200 kWh so với tháng trước.
“Tôi rất bất ngờ khi tiền điện lại tăng đột biến như vậy. Do không sắm sửa thiết bị điện gì thêm, nhà cũng chỉ những vật cũ và sử dụng thường xuyên như bình thường, mỗi tháng nếu có tăng cũng cao nhất khoảng 100.000 đồng. Tiền điện tăng đột biến như vậy là rất bất thường”, chị Thúy nói.
Nhiều người cho rằng tiền điện thực tế đã “nhích dần” mỗi tháng từ sau Tết, do nhu cầu sử dụng máy lạnh nhiều hơn khi thời tiết nóng. Tuy nhiên, họ rất ngạc nhiên khi phát hiện con số này ngày càng tăng mà không có dấu hiệu “phanh” lại, trong khi gần tháng nay không còn cao điểm nắng nóng và nhu cầu sử dụng điện giảm xuống.
Anh Quân (28 tuổi, quận Thủ Đức), nói: “Tôi nhận thấy tiền điện đã tăng qua các tháng, nhưng cứ nghĩ mình sử dụng máy lạnh nhiều hơn. Tháng này thì rõ ràng, số tiền điện phải đóng tăng gần cả triệu đồng, tăng gấp đôi so với tháng trước, trong khi nhu cầu sử dụng vẫn vậy”.
Không chỉ ở TP.HCM, người dân nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng phản ánh về việc tiền điện phải đóng trong tháng vừa rồi tăng mạnh.
Từ trước đến nay, tiền điện nhà anh Minh Hoàng (Hà Nội) phải trả mỗi tháng đều ổn định và duy trì ở mức 700.000-800.000 đồng. Nhu cầu sử dụng điện của gia đình chỉ cơ bản với TV, tủ lạnh, điều hòa. Tuy nhiên, tháng này anh vừa đóng hơn 1,2 triệu đồng.
“Thời điểm này là mùa hè, có thể nói tiền điện tăng do nhu cầu sử dụng nhưng không thể tăng như vậy, do cùng thời gian này năm rồi, tiền điện cũng không tăng mấy”, anh Hoàng nói.
"Nhà đèn" đổ lỗi do nắng nóng
Tổng tiền điện shop hoa của anh Nguyễn H. (Nha Trang, Khánh Hòa) trong tháng rồi lên đến hơn 4 triệu đồng. Anh cho biết hiện tại, cửa hàng chỉ sử dụng một máy lạnh và một tủ làm mát, chạy 24/24 để bảo quản hoa.
“Tiền điện cửa hàng tôi vào tháng 2 là 2,2 triệu đồng, tháng 3 lên 2,6 triệu đồng, tháng 4 lên 2,8 triệu đồng, tháng 5 là 3,1 triệu và tháng rồi là hơn 4 triệu đồng. Số tiền tăng dần và tăng chóng mặt”, anh H. phàn nàn.
|
Bức xúc với số tiền điện phải trả tăng gấp 2-3 lần, nhiều người đã yêu công ty điện lực kiểm tra công tơ điện đang sử dụng. Ảnh: NVCC. |
Vì quá bức xúc, chủ cửa hàng này đến văn phòng công ty điện lực hỏi nhân viên. Tại đây, người “nhà đèn” chỉ giải thích đơn giản rằng điện tăng giá do thời tiết nắng nóng.
Cho rằng giải thích này là vô lý, bởi tần suất sử dụng điện như nhau nhưng tiền phải đóng cứ liên tục tăng, anh H. đặt nghi vấn: Không lẽ thời tiết nóng nên giá điện tăng theo tháng chứ không phải tính tiền theo kWh cố định ?
Anh H. quyết định làm đơn yêu cầu kiểm tra công tơ điện để đối chứng với công ty điện lực.
Chủ cửa hàng này cho biết thêm không chỉ anh mà nhiều bạn bè khác cũng rơi vào cảnh giá điện bỗng dưng tăng liên tục. Anh nói ai cũng thắc mắc nhưng khi hỏi nhân viên điện lực thì đều được giải thích một kiểu: do nắng nóng.
Từng báo với nhân viên điện lực về giá tiền điện phải đóng bỗng dưng tăng chóng mặt, chị Nguyễn Ngân (quận Thủ Đức, TP.HCM) nhận được câu trả lời còn đơn giản hơn từ các nhân viên này: “Xài bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu”.
Bức xúc, chị Ngân yêu cầu nhân viên của công ty điện lực đến kiểm tra công tơ điện. Tuy nhiên, theo các nhân viên, sau khi kiểm tra, đồng hồ điện tử của chị chỉ sai số 0,02%, và con số này nằm trong mức cho phép.
Trước kết quả kiểm tra này, chị Ngân chỉ biết ngậm ngùi trả đúng số tiền tăng gần gấp 2 lần ghi trên hóa đơn. Chị lắc đầu khi không biết trong thời gian tới, số tiền phải trả có tiếp tục tăng hay không.
Giả thiết nhân viên ghi nhầm số điện khó xảy ra?
Trả lời Zing.vn về những thắc mắc giá điện đột ngột tăng mạnh, đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ kiểm tra, khảo sát kỹ lại từng khu vực nhận được phản ánh trước khi có kết luận chính thức.
Trước đó, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về hóa đơn điện trong các tháng 3, 4 tăng cao. Giải thích về vấn đề này, EVN HCMC cho hay thời gian qua, TP.HCM bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ trung bình nhiều ngày lên đến 38-39 độ C. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ, tăng rất cao.
“Theo quy định hiện hành, giá điện sinh hoạt bán lẻ hiện nay được tính theo bậc thang, gồm 6 bậc. Từ kWh 401 trở lên, mức giá là 2.701 đồng/kWh (chưa VAT). Do đó, trong đợt nắng nóng vừa qua, những gia đình có sử dụng điều hòa nhiệt độ sẽ thấy rõ nhất sự tác động khi trả tiền điện”, đơn vị này thông báo.
Đơn vị này cũng nói giả thiết nhân viên ghi nhầm số điện khó xảy ra. Vì công ty kiểm tra rất chặt chẽ, nếu khách hàng có thắc mắc sẽ tiến hành xử lý ngay, không để xảy ra sai sót.
Đối với các loại điện kế mà EVNHCMC đang sử dụng để đo đếm chỉ số điện tiêu thụ của khách hàng đều được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng theo đúng Luật đo lường và Luật điện lực.
“Người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng”, EVN HCMC khuyến cáo người dân.