Vỏ dừa khô dùng làm đựng bình trà, giữ cho trà luôn nóng là hình ảnh quen thuộc trong nhiều gia đình ở miền Tây. Nhưng không dừng lại ở công dụng này, ông Điểm đã làm cho vỏ dừa khô có tính nghệ thuật và có giá trị kinh tế cao hơn bằng cách khắc hình rồng, phụng hoặc những tác phẩm theo yêu cầu của khách.
Biến vỏ dừa khô thành tác phẩm nghệ thuật
Ông Điểm chia sẻ: "Vào khoảng năm 1983, một lần tình cờ tôi ghé vào tiệm điêu khắc của ông thầy Tám Lý ở đường Phạm Ngũ Lão (phường An Hoà, quận Ninh Kiều). Nhìn những tác phẩm điêu khắc của thầy Lý, tôi vô cùng ngưỡng mộ và yêu thích nên tôi năn nỉ ông ấy nhận tôi làm 'đệ tử' để học điêu khắc".
|
Ông Đặng Hồng Điểm điêu khắc trên vỏ dừa khô chuẩn bị giao cho khách. |
Sau khi thành thạo nghề, ông Điểm đã quyết định thử tài của mình trên vỏ dừa khô vì ông muốn tạo ra tác phẩm trên chất liệu độc, lạ.
"Thường sản phẩm nào cũng vậy, phải có cái 'khác người' thì khách hàng mới tìm mua. Lúc đầu, những vỏ dừa khô được điêu khắc cũng kén khách nên tôi đã gửi sản phẩm ở các cửa hàng bán lẻ. Sau này, tôi có người quen ở TP.HCM nên gửi sản phẩm lên đó, nào ngờ hàng bán rất chạy", ông Điểm nói.
Đa phần những vỏ dừa khô đều được ông Điểm khắc hình rồng hoặc phụng, hoa sen, 4 mùa xuân, hạ, thu, đông... Nếu khách có yêu cầu khắc hình gì thì ông khắc cái đó.
|
Tác phẩm sau khi được chạm khắc. |
Để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh cũng lắm công phu. Đầu tiên phải lựa chọn trái dừa khô tròn đều, lớn trái và để nơi khô ráo cho dừa lên mộng vì lúc này vỏ dừa cứng, dễ khắc hình vào. Tiếp đó thì canh khoảng 5 phân cắt phần đuôi trái để làm nắp đậy, còn phần thân sẽ được chạm khắc.
"Công đoạn gỡ phần gáo dừa phải thật tỉ mỉ sao cho lúc để bình trà vào là vừa vặn nhưng phải chừa lại một phần gáo dừa để vỏ bình không bị nứt khi khô", ông Điểm lưu ý.
Khi xong những công đoạn trên thì ông Điểm tiến hành vẽ phác họa hình thù lên thân dừa rồi dùng dao khắc. Ông Điểm cho biết: "Vỏ dừa khô có đặc điểm là vật liệu không cứng lại không mềm nên rất khó để khắc từng chi tiết. Vì vậy, khi tiến hành làm mình phải để ý rất kĩ chỗ nào khắc nét đậm, chỗ nào nét cạn hay nét uốn lượn".
Vỏ dừa sau khi chạm khắc sẽ được đánh véc-ni, sơn và cuối cùng là phủ lớp sơn PU. Để hoàn thành một sản phẩm, ông Điểm thường mất khoảng 5 ngày.
Lưu giữ nét văn hóa truyền thống
Hiện sản phẩm này không bán ở thị trường miền Tây mà được ông Điểm phân phối ở TP.HCM.
"Mỗi sản phẩm có giá từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng, tùy kích thước của vỏ dừa lớn hay nhỏ hoặc hình thù điêu khắc. Có thời điểm tôi bán trên thị trường mỗi năm chừng 100 cái nhưng bây giờ trung bình mỗi tháng tôi làm từ 4-5 cái thôi, vì có khách đặt mới làm. Thậm chí có Việt kiều còn mua đem đi nước ngoài. Tôi bảo đảm trái dừa khô đựng bình trà này xài hoài không hư", ông Điểm tự tin nói.
|
Những vỏ dừa khô được chạm khắc và sơn hoàn chỉnh. |
Biết ông Điểm làm sản phẩm độc đáo, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tài (60 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) đã tìm đến và nhờ ông Điểm làm một vỏ dừa khô đựng bình trà 1 lít. Tuy nhiên, ông Điểm hẹn khách vào dịp khác vì hiện nay tìm vỏ dừa khô loại trái to để đựng loại bình trà như vậy không có.
|
Một số tác phẩm điêu khắc trên chất liệu khác của ông Điểm. |
Ngoài điêu khắc trên vỏ dừa khô, ông Điểm còn biến hóa tài tình trên những vật liệu khác thành những tác phẩm nghệ thuật để trưng bày trong nhà. Đó là những vỏ dừa khô được chạm thành hình con rắn để trồng hoa, hay gốc tre, gốc dừa được khắc lên những vị anh hùng dân tộc…
Nghệ nhân này bày tỏ: "Giờ lớn tuổi, không còn khỏe để làm được như xưa nên tôi làm chủ yếu do khách đặt hàng. Lý do tôi chọn vỏ dừa khô, gốc tre, gốc dừa… để điêu khắc vì những thứ này gần gũi với đời sống và tôi cũng muốn lưu giữ nét văn hóa để con cháu sau này biết đến".